Giúp dân "gỡ rối" sau vụ cá biển chết hàng loạt

(Dân trí) - Từ ngày xuất hiện tình trạng cá biển chết, không chỉ những ngư dân làm nghề lộng gặp khó khăn khi tàu phải nằm bờ mà những ngư dân vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường lớn cũng chịu ảnh hưởng bởi sản phẩm thủy hải sản tiêu thụ chậm, tâm lý người dân còn lo ngại…

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do cá chết!

Tình hình cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng đã gây thiệt hại đáng kể cho bà con ngư dân, cũng như các ngành dịch vụ, du lịch tại vùng biển. Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Quảng Trị, tình trạng cá chết tại dọc bờ biển các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã gây thiệt hại ước tính hơn 134 tỷ đồng. Trong đó, 2 lĩnh vực khai thác thủy sản và dịch vụ, du lịch bị thiệt hại khá nặng nề, con số tương ứng là 42,9 tỷ và 45,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 11.572 hộ/42.288 người, cùng 2.522 tàu thuyền bị ảnh hưởng.

Giúp dân "gỡ rối" sau vụ cá biển chết hàng loạt - 1

UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nhằm bàn cách tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân

Mức thiệt hại được các địa phương thống kê cho thấy, huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại gần 19 tỷ đồng, với 1.838 hộ bị ảnh hưởng. Huyện Hải Lăng cũng thiệt hại hơn 18 tỷ đồng, chủ yếu ở hai xã Hải An, Hải Khê, sản lượng khai thác thủy sản giảm 1/10 so với cùng kỳ. Hiện tượng nước biển nhiễm bẩn cũng khiến 28 ha tôm nuôi của địa phương này bị ảnh hưởng. Huyện Triệu Phong bị thiệt hại ước tính hơn 19 tỷ, làm ảnh hưởng đến đời sống của 3.245 hộ. Trên địa bàn đã xuất hiện dịch bệnh ở tôm với diện tích 42 ha, hiện nguồn giống nuôi tôm cũng hết sức bấp bênh. Đối với huyện Gio Linh, tình trạng cá chết đã khiến hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính 46,5 tỷ đồng.

Tại cuộc họp với các Sở, ngành, địa phương để bàn về các biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho bà con ngư dân bị thiệt hại do hiện tượng cá chết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đề nghị các ngành, địa phương liên quan cần thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương và địa phương về hỗ trợ ngư dân vùng biển. Tiến hành rà soát lại các hộ kinh doanh, thu mua cá trên địa bàn tỉnh qua đó có chính sách động viên, hỗ trợ đầu ra đối với các sản phẩm an toàn cho bà con ngư dân, khuyến khích duy trì phát triển các hoạt động du lịch biển.

Giúp dân "gỡ rối" sau vụ cá biển chết hàng loạt - 2

Sản phẩm thủy sản nếu chứng minh đánh bắt ở vùng an toàn sẽ được cấp giấy xác nhận để xuất bán

Thời gian qua, Sở NN-PTNT và Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã cắt cử cán bộ chuyên môn về các cảng cá, phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt vùng an toàn cho bà con.

Tỉnh Quảng Trị cũng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ mỗi chủ hộ khai thác ven bờ (tàu thuyền công suất từ 20 CV trở xuống) với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng trong thời gian tạm dừng khai thác; hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 134,91 tỷ đồng và 800 tấn gạo để hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả do hải sản chết bất thường gây nên.

Tàu khai thác gần bờ vẫn “nằm im”…

Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị mới đây cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, dù tình hình cá chết đã giảm nhưng vì tâm lý tiêu thụ sản phẩm hải sản còn bất an của người dân đã khiến số tàu cá ở vùng biển bãi ngang và tàu khai thác gần bờ gần như nằm bờ hoàn toàn. Toàn tỉnh hiện chỉ có 100 tàu đánh bắt xa bờ và đã cập cảng 15 chiếc, có 150 hộ đang hành nghề thu mua hải sản.

Có thể nói rằng, tác động từ hiện tượng cá chết đã gây ra hệ lụy vô cùng to lớn. Những ngày qua, PV Dân trí đã đến nhiều vùng biển bãi ngang thuộc tỉnh Quảng Trị để nắm bắt hoạt động của bà con ngư dân. Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn tàu đánh bắt gần bờ của ngư dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh…vẫn “nằm im”, còn lại các tàu xa bờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Giúp dân "gỡ rối" sau vụ cá biển chết hàng loạt - 3

Nhiều tàu thuyền của ngư dân vẫn nằm bờ

Ông Bùi Đình Sành, Tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền tại thị trấn Cửa Việt cho biết, hiện tượng cá chết như thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng hết sức nặng nề, tác động xấu đến đời sống của hàng trăm ngư dân địa phương. Bên cạnh đó, đại bộ phận người dân sống nhờ vào dịch vụ biển, ngành du lịch, các quán xá kinh doanh…cũng bị liên quan, dần rơi vào tình cảnh khó khăn.

Ông Sành nói trong lo lắng: “Phần lớn tàu thuyền đã nằm bờ nhiều ngày nay rồi, chỉ một số ít còn ra khơi. Đối với bà con làm nghề lộng càng vất vả hơn, bởi những sinh vật này sống ở các vùng rạn, vùng biển gần bờ khoảng 10 hải lý trở vào, nhưng giờ đã bị chết hàng loạt. Nhiều người dân không đủ điều kiện ra khơi xa thì sống dựa vào vùng biển gần giờ phải neo thuyền, cất lưới ở nhà. Nếu tình trạng như thế này kéo dài thì kế sinh nhai của bà con ngư dân càng bị đe dọa, thậm chí thất nghiệp và phải bỏ nghề biển mất”.

Giúp dân "gỡ rối" sau vụ cá biển chết hàng loạt - 4

Tâm lý của người dân vẫn lo ngại khi sử dụng hải sản

Tại các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch vẫn chưa có ngư dân ra khơi trở lại. Thị trấn Cửa Tùng đã có một số tàu trở lại đánh bắt trên vùng biển đảo Cồn Cỏ.

Huyện Gio Linh và Triệu Phong hiện đã có một số tàu cá vươn khơi. Đặc biệt, tại huyện Triệu Phong chỉ trong ngày 2 – 3/5, đã có tàu ra khơi đánh bắt trở lại ở vùng biển xa bờ với khối lượng trên 25 tấn, tuy nhiên giá bán ra lại giảm 35% so với ngày bình thường.

Đăng Đức