TPHCM:

Giới thiệu Hiến pháp mới đến với đông đảo sinh viên, thầy cô

(Dân trí) - “Hiến pháp vừa được thông qua thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”, GS.TS Phan Trung Lý khẳng định.

Ngày 18/12, đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc với đông đảo giảng viên, sinh viên trường Đại học Luật TPHCM cùng nhiều khách mời quốc tế khác để giới thiệu nội dung Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố.

Phát biểu tại hội nghị, GS. TS. Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định: “Hiến pháp vừa được thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp mới thể hiện rõ và đầy đủ bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước; Quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ cề chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước…”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng cho rằng, Hiến pháp đã đề cao quyền làm chủ của người dân, thể hiện rõ hơn bản chất dân chủ của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân… 

GS. TS Mai Hồng Qùy, thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết trong Hiến pháp đã thể hiện đầy đủ vấn đề về nhân quyền.

Theo đó, trong Hiến pháp mới được ban hành, sau chương quy định về “Chế độ chính trị” thì “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là phần rất quan trọng trong Hiến pháp. 

Điều 20 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”. Tại khoản 2, Điều 20 thì quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.  Điều 21 của Hiến pháp quy định như thế”, GS.TS. Mai Hồng Qùy nhấn mạnh.

 

Công Quang