Thanh Hóa:
Gian nan con đường đưa các anh về đất mẹ
(Dân trí) - Gần 30 năm qua, bước chân của các chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã đặt chân đến hơn 1.000 địa điểm thuộc 10 huyện cuả tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào, đưa hơn 2.000 hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ.
Theo các chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Thanh Hóa thì mỗi lần xuất quân sang nước bạn tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ như một lần ra trận. Tất cả đều phải đủ súng đạn, cuốc xẻng, võng, gạo và những đồ vật không thể thiếu cho việc cất bốc mộ liệt sỹ. Nhưng với các anh, những chuyến đi ấy là niềm hạnh phúc bởi lại sau những chuyến đi là biết bao liệt sỹ được trở về đất mẹ.
Thượng tá Hoàng Văn Trân – đội trưởng đội Quy tập hài cốt Liệt sỹ – Bộ CHQS Thanh Hóa tâm sự: “Thời tiết ở nước bạn rất khắc nghiệt, nhiệt độ trung bình trong ngày từ 38 đến 40 độ. Địa hình phức tạp nhiều sông suối, rừng sâu với những vách đá cao chót vót, địa bàn anh em đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ngày càng xa, nằm trong cánh rừng vùng sâu, vùng xa của nước bạn”.
Thượng tá Trân cũng cho biết, năm nay anh em trong đội đã tìm kiếm ở trên địa bàn 45 bản, cụm bản thuộc 6 huyện, qua đó, đội đã kết luận được 8/10 huyện với 53 bản không còn thông tin về mộ liệt sỹ, hiện nay còn 2/10 huyện với 39 bản chưa kết luận được thông tin liệt sỹ của ta.
Để tìm được những bộ hài cốt liệt sỹ, cán bộ, chiến sỹ đội Quy tập Bộ CHQS tỉnh phải vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Trên những cánh rừng già đại ngàn, các anh đã luồn rừng băng suối, cơm nắm, ngủ rừng để tìm đồng đội.
Chiến tranh đã lùi xa, địa hình đã thay đổi quá nhiều, phần lớn hài cốt liệt sỹ chưa tìm thấy đều ở những địa bàn hết sức phức tạp phải xác định tọa độ trên bản đồ. Nhiều khu vực trước khi tìm kiếm, phải tổ chức rà phá bom mìn, phát quang. Tỉnh Hủa Phăn với hơn 90% diện tích là vách cao, suối sâu nên việc tìm kiếm của đội ngày càng gian nan.
Có những đợt tìm kiếm kéo dài cả tuần, lương thực, thực phẩm, nước uống cạn kiệt, cả đội lại động viên nhau ăn rau rừng, bắt cá, uống nước suối.
Nhiều người bị vắt, muỗi rừng cắn phát sốt, điều trị khỏi lại tiếp tục lên đường. Có khi các anh mải băng rừng lần theo dấu vết rồi bị lạc đường, không còn thức ăn, nước uống, phải đốt lửa ở qua đêm, đợi trời sáng mới xác định được hướng đi.
Là người có thâm niên 15 năm lặn lội ở các cánh rừng Lào đi tìm đồng đội, Đại úy Trần Đại Định chia sẻ: “Anh em trong đội luôn cố gắng khắc phục khó khăn, sẵn sàng đối mặt với gian khổ, nguy hiểm để đưa hài cốt của các liệt sỹ về với quê hương, song quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn: hồ sơ, tài liệu quản lý bị thất lạc, các phần mộ liệt sỹ chưa được quy tập chủ yếu tập trung ở vùng núi cao, rừng sâu, xa các trục đường giao thông, không có dân của bạn sinh sống, nhiều khu vực bị bom đạn cày xới nhiều lần, cùng với thời gian bị mưa lũ xói mòn làm địa hình địa vật thay đổi, nên việc tìm kiếm xác định phần mộ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, phần lớn các nhân chứng Việt Nam cũng như nước bạn Lào lúc bấy giờ, nay đã già yếu, không có điều kiện hỗ trợ cho việc khảo sát, tìm kiếm...”.
Được xem kế hoạch hoạt động tìm kiếm của đội, mới hiểu hết những việc các anh đang làm với biết bao thử thách: Trước khi lên đường 100% cán bộ chiến sỹ trong đội đều phải được huấn luyện thuần thục các nhiệm vụ, như: Rà phá, tháo gỡ bom mìn; trinh sát địa hình, xác định đúng tọa độ; kinh nghiệm tìm kiếm mộ liệt sĩ; luyện tập hành quân mang vác nặng vượt suối, trèo đèo; huấn luyện hậu cần kỹ thuật, luyện tập xử lý 5 biện pháp cấp cứu; trình độ sử dụng máy thông tin liên lạc, tìm hiểu phong tục tập quán các bộ tộc nước bạn…
Tất cả được trang bị đầy đủ kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ để mọi người có trình độ tinh thông đủ khả năng xử lý các tình huống trong khi làm nhiệm vụ ở nước bạn, khi hoạt động độc lập, cũng như lúc tập trung. Bên cạnh đó, việc khảo sát, tìm kiếm, khi đã xác định đúng tọa độ, đúng khu vực, thì việc khai quật, tìm kiếm là hết sức kiên trì, không để sót một tấc đất, sau khi khai quật xong phải hoàn thổ nguyên vẹn, dù đó là đất đồi, hay ven sông, ven suối.
Sau gần 30 năm tìm kiếm bên nước bạn, đội quy tập tìm kiếm Mộ Liệt sỹ Bộ CHQS Thanh Hóa đã đến hơn 1000 địa điểm thuộc 10 huyện cuả tỉnh Hủa phăn nước bạn Lào. Lượng đất đá mà đội khai quật để tìm kiếm liệt sỹ hàng chục nghìn m3, cơ động trên 800.000km… đã tìm kiếm, hồi hương được hơn 2.000 hài cốt liệt sỹ về nước, trong đó có 119 hài cốt xác định được tên, quê quán đã bàn giao cho các địa phương.
Đặc biệt, trong quá trình làm nhiệm vụ, quân y của đội đã khám, chữa bệnh cho gần 2 nghìn lượt người, điều trị thành công 3 ca bị bỏng, 2 ca bị bom mìn nổ, sơ cứu 6 ca tai nạn giao thông, cấp cứu 50 ca bệnh nặng, giúp nhân dân nhiều phương tiện sản xuất.
Trung tá Lê Văn Thái – Chính trị viên Đội quy tập chia sẻ: “Việc tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ, không đơn thuần là một nhiệm vụ, mà hơn thế nữa đấy chính là nghĩa, là tình, là lương tâm, trách nhiệm, là đạo lý, là cội nguồn của sức mạnh và niềm tin”.
“Không là thế, thì không thể có hình ảnh những cụ ông, cụ bà chân đã run, mắt đã mờ, vẫn nhiệt tình tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sỹ cùng Đội giữa rừng sâu, núi thẳm trong các cánh rừng đại ngàn xa xôi của nước bạn. Đã có những chiến sỹ trở thành liệt sỹ khi đi làm nhiệm vụ này, đã có người bị rắn cắn, bị cây đè, sốt rét rừng… trong khi làm nhiệm vụ. Những khó khăn gian khổ hiểm nguy đó, cán bộ chiến sỹ trong đội đón nhận như những điều bình thường. Chính điều bình thường giản dị đó đã tạo nên sức mạnh đoàn kết để chúng tôi vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” – anh Thái tâm sự.
Quả đúng như lời Chính trị viên Thái nói, chiến tranh đã lùi xa, thời gian không bao giờ trở lại, duy nhất chỉ có giá trị tinh thần và tiếng thơm vẫn lưu mãi ngàn thu. Và chính việc của các anh đang thực hiện chính là nghĩa, là tình, là lương tâm, trách nhiệm, là đạo lý, là cội nguồn của sức mạnh và niềm tin của thế hệ hôm nay dành cho anh linh của các anh hùng liệt sỹ của dân tộc anh hùng.
Bình Minh