Formosa "lọt cửa" vì quy định kiểm soát công nghệ yếu kém?
(Dân trí) - Phân tích từ vụ Formosa đầu độc biển miền Trung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để lọt những công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng khó lường đến trật tự trị an, an sinh xã hội…
Ngày 13/9, trình dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh nêu rõ nhưng vướng mắc, bất cập bộc lộ trong luật Chuyển giao công nghệ hiện tại.
Chẳng hạn, quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã bộc lộ mặt trái là Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thẩm tra dự án luật, UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Phan Xuân Dũng phân tích, Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nêu yêu cầu chỉnh sửa lớn, ông Dũng cho biết, quá trình thẩm tra đã có rất nhiều ý kiến góp ý điều chỉnh hầu hết các điều luật và cho rằng dự thảo luật cần đưa ra những quy định khắc phục tình trạng không kiểm soát được công nghệ và máy móc, thiết bị nhập khẩu, có thể biến Việt Nam thành một “bãi rác công nghệ”, đẩy lùi sự phát triển của đất nước.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, ban soạn thảo cần nghiêm túc đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết hạn chế, tồn tại đặc biệt là không để tái diễn tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu vào Việt Nam.
Yêu cầu sửa luật là để khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ, như trường hợp Formosa, dự án bauxite Tây Nguyên, các dự án chế biến gỗ dăm, xây dựng, xăng sinh học...
Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, luật này sửa như vậy có ngăn chặn được việc Việt Nam thành một “bãi rác công nghệ” hay không? Việc sửa luật có giải quyết được tất cả các bất cập, có thực hiện đầy đủ nội dung tư tưởng để phát triển thị trường khoa học công nghệ hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng dẫn lại vụ Formosa, nhấn mạnh, công nghệ lạc hậu không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến trật tự trị an, an sinh xã hội.
Đất nước đang phải chịu đựng công nghệ lạc hậu, theo ông, có cả lý do luật Công nghệ 2006 chưa đủ cơ sở bảo vệ hiệu quả lẫn lý do hoạt động quản lý nhà nước chưa tốt.
Trả lời những câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, vấn đề kiểm soát công nghệ, điển hình như với Formosa, cần phải xem xét đến nhiều luật liên quan khác, chứ không chỉ có Luật Chuyển giao công nghệ.
Về đề nghị sửa lại luật này một cách toàn diện chứ không chỉ dừng ở phạm vi sửa 16/61 điều, đại diện cơ quan thẩm tra cũng giải thích thêm, ban soạn thảo đã trao đổi kỹ nội dung này, có thể bổ sung thêm nội dung sửa đổi ở 20 điều nữa.
Chốt lại nhận định luật này không thể thông qua trong 1 kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án luật dự án luật theo hướng sửa dổi toàn diện và sẽ trình Quốc hội thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
P.Thảo