Đồng bào dân tộc chuẩn bị cho ngày bầu cử
(Dân trí) - Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp tại vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất.
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 7 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó lượng cử tri chiếm số đông là đồng bào dân tộc Thái, Mông và Mường... Tới nay, lực lượng biên phòng Thanh Hóa tiếp tục bám sát các bản vùng cao hỗ trợ chính quyền địa phương tổ chức công tác bầu cử và tuyên truyền tới bà con dân tộc thiểu số nắm bắt được thông tin của ngày bầu cử, hiểu rõ được trách nhiệm của mình với lá phiếu cử tri.
Tỉnh Thanh Hóa cũng là địa phương có đường biên giới miền núi giáp với nước bạn Lào, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La. Khu vực này luôn là điểm nóng về tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy và các tệ nạn khác... Để đảm bảo công tác bầu cử được diễn ra an toàn, lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân sự và các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về bầu cử. Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Tại huyện Quan Hóa, các công tác chuẩn bị cho bầu cử cũng đã được hoàn tất. Trưởng bản Lộc Văn Thư, bản Poọng 2, Xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa chia sẻ: “Chúng tôi thông báo bà con là không được đi bỏ phiếu hộ, các anh biên phòng đã hướng dẫn rồi, ai đi đâu thì bỏ phiếu xong rồi mới đi”.
Đến với huyện biên giới Mường Lát trong những ngày này mới thấy được không khí chuẩn bị bầu cử hết sức chu đáo. Băng cờ, khẩu hiệu được treo ở các ngả đường, nhà văn hóa thôn bản và trụ sở UBND xã; tiếng loa truyền thanh tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về quyền lợi công dân, danh sách các ứng cử viên được phát đều đặn vào các buổi, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt, lựa chọn những người tiêu biểu để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Là một huyện vùng cao biên giới có trên 10 ngàn đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí của đồng bào không đồng đều và có trên 80% hộ nằm trong diện nghèo. Do đó, để những thông tin cơ bản nhất liên quan đến Luật bầu cử Quốc hội và HĐND được đồng bào đón nhận chính xác và hiệu quả, Ủy ban bầu cử huyện Mường Lát đã soạn thảo nội dung tuyên truyền bầu cử thật dễ hiểu, được biên dịch và trình bày bằng tiếng dân tộc Mông
Tại bản Pom Khuông, xã Tam Chung, nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, khắp nơi đều rực màu cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu. Bản Pom Khuông cũng là bản có đồng bào Mông theo Đạo tin lành chiếm tỷ lệ cao ở huyện Mường Lát. Với sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc và cộng đoàn xứ đạo, họ đạo đến nay bà con tại khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa này đều đã nắm bắt được thông tin, hiểu rõ được trách nhiệm với lá phiếu của mình để bầu ra những người đủ đức đủ tài cống hiến cho đất nước.
Cử tri Đào Thị Mỵ, xã Tam Chung chia sẻ: “Ngày 22/5 chúng tôi đã được tuyên truyền và biết đó là ngày bầu cử. Vào ngày đó sẽ để dành mọi việc trong gia đình để tập trung tới nhà văn hóa của bản để bầu những người có đức có tài giúp đất nước phát triển”.
Bí thư Sùng A Giống, Chi bộ Pom Khuông, xã Tam Chung cho biết: “Được sự tuyên truyền của các cán bộ địa phương và các chiến sỹ biên phòng thì đến giờ phút này bà con trong bản rất yên tâm về công tác chuẩn bị bầu cử. Cũng nhận được ngày 22/5 tất cả bà con sẽ đi bỏ phiếu đúng giờ. Và đó cũng là ngày cầu nguyện của các điểm nhóm ở trong đây nhưng bà con thống nhất sẽ đi bỏ phiếu trước rồi mới trở về làm lễ theo kế hoạch.
Huyện miền núi Mường Lát thuộc đơn vị bầu cử số 5 của tỉnh Thanh Hóa với trên 21.500 cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đặc thù là vùng sâu, vùng xa trong khi dân cư phân bố rải rác, giao thông đi lại khó khăn nên huyện đã thành lập tới 83 đơn vị bầu cử để tạo thuận tiện cho cử tri đi bầu, rút ngắn được khoảng cách đi lại.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân về bầu cử và thông báo cho cử tri biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng nhiều thứ tiếng để cử tri tiện theo dõi và có trách nhiệm với lá phiếu của mình.
Trong thời gian diễn ra Bầu cử Quôc hội khóa XIV và HĐND các cấp, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phân công các chỉ huy xuống các địa bàn trọng điểm như các xã Pù Nhi, Trung Lý, Tam Chung (huyện Mường Lát), Na Mèo (Quan Sơn)... nắm tình hình và chỉ huy xử trí các tình huống khi có sự cố xảy ra.
Đồng thời lập ra 4 phương án giả định để có hướng xử trí kịp thời; Tổ chức các kíp trực tại đơn vị theo quy định, tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực biên giới, cửa khẩu... Trước đó, lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã vận động bà con khu vực biên giới giao nộp hơn 800 khẩu súng tự chế và đã đem tiêu hủy theo quy định, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đại tá Hoàng Minh Luyện, Tham mưu Trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Cho tới thời điểm này, công tác bầu cử ở khu vực biên giới cơ bản là hoàn thiện. Bên cạnh đó công tác đảm bảo an ninh trật tự cho bầu cử tiếp tục được giữ vững, triển khai xuống địa bàn, công an quân sự, biên phòng ở các điểm bầu cử, vừa tham gia hướng dẫn, động viên nhân dân bầu cử đúng quy định”.
Nguyễn Thùy