“Đây là lần có số Ủy viên Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất”

(Dân trí) - “Do yêu cầu khách quan nên phải có một đồng chí thuộc trường hợp đặc biệt ở lại. Ban đầu cũng có ý kiến khác nhau nhưng Bộ Chính trị họp thảo luận, nếu ở lại nhiều thì không trẻ hóa đội ngũ chủ chốt… Đây cũng là lần Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất, bởi theo tôi biết, chưa có đại hội nào không tái cử đến 9 đồng chí trong Bộ Chính trị.”

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ với phóng viên Dân trí như vậy ngay trước ngày khai mạc Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Là người trực tiếp tham dự các Hội nghị Trung ương, nhất là Hội nghị Trung ương 14 vừa rồi, ông đánh giá thế nào việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng khóa XII tới đây?

Quá trình chuẩn bị nhân sự của Đảng khóa XII bắt đầu từ giữa nhiệm kỳ XI. Từ thời điểm đó đã quy hoạch nhân sự Trung ương, rồi quy hoạch nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị đã hướng dẫn các cấp ủy Đảng trực thuộc TW, các Ban Đảng và các ủy viên TW phát hiện giới thiệu nhân sự, Bộ Chính trị tập hợp lại, nghiên cứu lựa chọn và đề xuất danh sách, đưa ra Trung ương thảo luận, thông qua quy hoạch ấy. Khi thực hiện công tác nhân sự, trước tiên phải căn cứ trên cơ sở quy hoạch đó mà làm, tất nhiên cũng có trường hợp cá biệt chưa có trong quy hoạch. Như vậy, có thể nói công tác nhân sự được bắt đầu sớm, điều đó cũng thể hiện tinh thần dân chủ, đồng thời cũng có thời gian cân nhắc, suy nghĩ các phương án.

Hội nghị 14 là bước cuối cùng chuẩn bị cán bộ chủ chốt, còn Hội nghị 12 chuẩn bị Ban Chấp hành, Hội nghị 13 chuẩn bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Phiên thảo luận những vấn đề liên quan đến nhân sự ở Hội nghị 14, Chủ tịch đoàn kiên trì để thảo luận cho hết ý kiến mới lần lượt bỏ phiếu. Hôm đó bỏ phiếu tới 13 lần liên quan đến những vấn đề nhân sự. Tôi nghĩ trong công tác nhân sự thảo luận cho hết ý kiến, sau đó bỏ phiếu kín là phản ánh thực chất hơn so với giơ tay.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng

Qua đó có thể nói quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII kỹ lưỡng, công phu, có trách nhiệm, các phiên thảo luận cũng rất thẳng thắn, dân chủ, hết ý kiến. Mà tôi thấy trong quá trình ấy ý kiến ngược xuôi cũng nhiều, thảo luận qua lại, rồi Bộ Chính trị tiếp thu, điều chỉnh, đưa ra xin ý kiến Trung ương quyết định tập thể.

Như ông nói quá trình chuẩn bị nhân sự được thực hiện từ rất sớm, tuy nhiên phải đến Hội nghị Trung ương 14 mới có thể hoàn tất công việc này. Qua quan sát các bước làm nhân sự, dường như chúng ta đang có khoảng trống nhất định về sự kế thừa, kế cận trong đội ngũ lãnh đạo, thưa ông?

Có việc đó! Việc quy hoạch từ giữa nhiệm kỳ giải quyết được nguồn cán bộ của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư rất phong phú. Ở Hội nghị 14, Trung ương cũng phê bình và Bộ Chính trị nhận khuyết điểm về vấn đề cán bộ chủ chốt chuẩn bị có phần chưa kịp nên cuối cùng phải có một trường hợp “đặc biệt” - một đồng chí lớn tuổi phải ở lại và có biểu quyết cho phép chưa áp dụng đầy đủ tiêu chí về các chức vụ đã kinh qua như đề án nói lúc đầu..

Ban đầu cũng có ý kiến khác nhau, có đồng chí Trung ương đề nghị phải 2 – 3 trường hợp “đặc biệt” Bộ Chính trị ở lại, nhưng Bộ Chính trị họp thảo luận, nếu ở lại nhiều thì không trẻ hóa đội ngũ chủ chốt. Do vậy, ở lại ít nhất để trẻ hóa cán bộ. Đây cũng là lần các ủy viên Bộ Chính trị xin không tái cử nhiều nhất, nếu tôi nhớ không nhầm thì chưa có đại hội nào không tái cử đến 9 đồng chí Bộ Chính trị. Tập thể Bộ Chính trị (và Ban Bí thư nữa) đề xuất chỉ ở lại 1 trường hợp đặc biệt để đảm bảo tính kế thừa và sự ổn định.

Theo dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII, nhiệm kỳ tới sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Với những những phương án nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ chốt sẽ trình ở Đại hội XII, ông kỳ vọng như thế nào về sự đổi mới ở nhiệm kỳ tiếp theo?

Trong quá trình thảo luận tôi cũng đề xuất phải đổi mới mạnh mẽ, đổi mới một cách căn bản. Đổi mới là câu chuyện lớn, lớn bậc nhất đối với nhiệm kỳ tới, phải tập trung cao cho việc đó. 30 năm trước nếu không đổi mới thì bây giờ chắc là tệ hại lắm, còn bây giờ nếu không tập trung cho đổi mới tiếp theo thì đất nước khó vượt qua khó khăn, sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, sẽ tụt hậu xa hơn nữa, rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và lùng bùng nhiều chục năm không ra được, đất nước không phát triển được và cũng không ổn định được.

Đối với cán bộ Trung ương đã chuẩn bị, tôi hi vọng và mong muốn cuộc đổi mới tiếp tục sẽ khá hơn. Nhưng hi vọng là thế, mong muốn là thế, còn phải qua thực tiễn nữa, mình không thể đoán trước đầy đủ mọi điều, tôi chỉ dựa trên cơ sở bài học thực tiễn mấy nhiệm kỳ qua đã cho ta những lời khuyên xác đáng, còn lại là cán bộ quyết tâm đổi mới và không bị “lợi ích nhóm” chi phối.

Gần đây, kể cả trong hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư có nói ba ý mà tôi rất lưu ý. Thứ nhất: phải vững bước tiến lên trên con đường đổi mới. Thứ hai: Phải kiểm soát quyền lực. Thứ ba: Phải dân chủ. Tôi nhất trí cao những ý kiến đó và rất mong như vậy. Tôi hi vọng nhiệm kỳ tới sẽ đổi mới nhiều hơn, không những đổi mới kinh tế mà kể cả đổi mới trên lĩnh vực văn hóa và chính trị.

Theo tôi, đổi mới trên lĩnh vực chính trị có 4 việc quan trọng nhất, đó là cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế thực thi dân chủ, đổi mới công tác cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ông từng nói Đảng phải đổi mới công tác cán bộ theo hướng có ứng cử tự do, có tranh cử. Với điều kiện như hiện nay, có lẽ khó có thể có việc tự ứng cử, tranh cử ngay trong Đại hội XII?

Tự ứng cử thì lâu nay đã làm rồi. Còn ứng cử tự do và tranh cử là cơ chế tiến bộ. Ở nước ta phải tiến đến ứng cử tự do nhiều hơn (lâu nay đã có nhưng còn ít) và tranh cử, nhưng để làm được phải có cơ chế và bước đi phù hợp. Tôi nghĩ dân chủ phải có bước chuẩn bị, nếu không dân chủ sẽ bị thụt lùi vì môi trường không lành mạnh hoặc mất ổn định. Không phải cứ tự phát tiến lên dân chủ mà những người đứng đầu phải có tư tưởng tiến bộ, tích cực chuẩn bị về mặt tư tưởng và cơ chế để cho đảm bảo quá trình dân chủ hóa ấy tích cực và được lành mạnh. Đó là việc lớn bậc nhất đối với các nhà lãnh đạo nước ta.

Với cơ chế của chúng ta đã có lâu nay, tôi nghĩ và tin Đoàn chủ tịch Đại hội sẽ thực hiện dân chủ nhất. Dân chủ được hiểu theo nghĩa tự do ứng cử, đề cử để có số dư tương đối nhiều và cung cấp thông tin một cách chân thực đầy đủ cho đại biểu trước khi bỏ phiếu.

Nhưng có thể tổ chức tranh cử ngay tại Đại hội?

Tranh cử của mình mới ở dạng tự do ứng cử, đề cử để có số dư đáng kể, còn tranh cử theo nghĩa cho các ứng viên lên trình bày các chiến lược của mình và tranh luận với nhau thì có lẽ chưa được vì chưa chuẩn bị theo kiểu đó. Phải tiếp tục nghiên cứu để một số năm nữa làm được như vậy. Còn tự do ứng cử, đề cử để có số dư và cung cấp thông tin đầy đủ thì tôi tin Đại hội này làm được.


Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và thoái hóa là một trong hai nhóm vấn đề quan trọng nhất (việc thứ nhất là đổi mới) trong nhiệm kỳ tới

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và thoái hóa là một trong hai nhóm vấn đề quan trọng nhất (việc thứ nhất là đổi mới) trong nhiệm kỳ tới

Vấn đề phòng chống tham nhũng ở nhiệm kỳ vừa qua được nêu rất nhiều và đã có nhiều động thái mới như người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là Tổng Bí thư hay đã thành lập Ban Nội chính Trung ương…, nhưng hiệu quả phòng chống tham nhũng được đánh giá chưa cao, chưa được như mong muốn. Vậy theo ông vấn đề chống tham nhũng cần được đặt ra và thực thi như thế nào trong nhiệm kỳ tới?

Tôi nghĩ việc chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và thoái hóa là một trong hai nhóm vấn đề quan trọng nhất (việc thứ nhất là đổi mới) trong nhiệm kỳ tới. Thời gian gần đây, chúng ta đã đề ra thêm các cơ chế, rồi cũng xử lý được một số vụ án lớn và thực tế cũng đã tuyên án tử hình nhiều nhất so với các nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn thấy chưa đạt yêu cầu như mong muốn, dù rằng thời gian vừa qua nếu không làm được một số việc như đã làm thì tình hình chắc sẽ còn xấu hơn.

Điều tôi thấy rõ hiện nay là chưa chặn đứng được đà suy thoái. Muốn chặn được thì phải đổi mới cơ chế trong đó có kiểm soát quyền lực. Còn nếu cứ đi giải quyết vụ việc, giải quyết hậu quả thì trong thời gian đó lại xảy ra nhiều vụ khác. Cho nên phải đổi mới căn bản, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế quản lý mới chặn đứng được suy thoái.

Ông đã từng có nhiều phân tích về tham nhũng, lợi ích nhóm, vậy ông đánh giá mức độ của mối liên hệ giữa tham nhũng và lợi ích nhóm hiện nay như thế nào?

Lợi ích nhóm thực chất là một phần của tham nhũng nhưng là phần nguy hiểm nhất. Phần đó là phần tham nhũng có tổ chức, có kế hoạch phối hợp nhịp nhàng, trong đó bao gồm cả tham nhũng về chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ, tham nhũng bằng chủ trương, cơ chế.

Lợi ích nhóm như ông nói là phần nguy hiểm nhất, nhưng việc chống lợi ích nhóm dường như chưa có hiệu quả cụ thể và trong một trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Dân trí, ông Vũ Mão, nguyên ủy viên Trung ương Đảng đã nói là chúng ta chưa phát hiện ra trường hợp cụ thể nào?

Có thể tìm trong các vụ án tham nhũng lớn đã truy tố, xét xử thì sẽ thấy có lợi ích nhóm trong đó.

Vậy vấn đề chống lợi ích nhóm trong khóa tới làm thế nào để thực hiện hiệu quả nhất?

Như tôi đã nói là phải có cơ chế, trong cơ chế đó có vấn đề cực kỳ quan trọng là cơ chế kiểm soát quyền lực. Nếu không kiểm soát quyền lực thì không chống được lợi ích nhóm. Bởi vì lợi ích nhóm tức là lạm dụng quyền lực, mà không kiểm soát được quyền lực thì không chống được lợi ích nhóm.

Ông có nghĩ 5 năm tới đây là thời điểm thích hợp để Trung ương khóa XII, các lãnh đạo chủ chốt ghi dấu ấn mạnh mẽ về chống tham nhũng và lợi ích nhóm?

Tôi nghĩ, Ban lãnh đạo tập trung làm tốt được việc đó là sẽ dấu ấn rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)