“Người lãnh đạo chủ chốt phải trong sạch, không điều tiếng”
(Dân trí) - “Người được lựa chọn làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước phải trong sạch, không có điều tiếng, không lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, gia đình mình”, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nói.
Vấn đề nhân sự Trung ương Đảng khóa XII đang được nhân dân quan tâm theo dõi. Qua Hội nghị Trung ương lần thứ 13 phương án nhân sự trình Đại hội XII chưa hoàn thiện và phải chờ đến Hội nghị Trung ương lần thứ 14 vừa rồi mới hoàn tất việc chuẩn bị. Điều này cho thấy vấn đề nhân sự cấp cao dường như khó khăn hơn các nhiệm kỳ trước đây, thưa ông?
Công tác nhân sự bao giờ cũng là vấn đề quan trọng của đất nước và nhân sự Trung ương lại càng quan trọng hơn nữa. Qua thực tế có thể nhận thấy nhân sự Trung ương hiện nay có những thuận lợi, cũng như có những khó khăn hơn trước. Thuận lợi là thế hệ hiện nay có nhiều người được đào tạo tốt, nhiều người có bằng cấp, học vị. Đại hội Đảng bộ các địa phương trên cả nước đã xong, xác định được người đứng đầu cấp ủy tỉnh thành có đủ tiêu chuẩn cũng là điều kiện thuận lợi cho chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa tới.
Vấn đề còn lại hiện nay là nhân vật chủ chốt của Đảng, trong số những Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện tại, xem ai có kiến thức, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt thì được chọn. Chúng ta ủng hộ những người như vậy.
Ông có kì vọng gì ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt khóa tới cũng như vấn đề đổi mới trong nhiệm kì tiếp theo?
Điều này phụ thuộc vào 2 quan điểm, một là quan điểm trẻ hóa, tức là giới thiệu một số Ủy viên Trung ương lên thẳng vị trí lãnh đạo chủ chốt; Hai là quan điểm tuần tự như trước đây, nghĩa là chọn ra từ trong các đồng chí đang giữ các vị trí chủ chốt ở Trung ương. Nhưng tôi xin nhấn mạnh người được lựa chọn làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải “trong sạch”, không có điều tiếng, không lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, gia đình mình và phải là người quyết đoán, có trí tuệ. Người đứng đầu phải trong sạch thì nhân dân mới tin yêu.
Cá nhân ông ủng hộ quan điểm nào?
Nếu có đủ điều kiện về tiêu chuẩn, phẩm chất, tín nhiệm thì đưa lớp trẻ lên là tốt nhất. Tôi rất mong như vậy. Nhưng tôi cũng e rằng quá trình dân chủ hóa (bỏ phiếu) thì người trẻ có thể lại không chiếm đa số phiếu, do vậy buộc phải có bước quá độ, tức là thêm trường hợp đặc biệt.
Hội nghị Trung ương 14 đã biểu quyết thông qua nhân sự là Uỷ viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XII, đồng thời thống nhất cao với đề cử nhân sự các chức danh chủ chốt khóa tới… Ông đánh giá như thế nào về kết quả Hội nghị Trung ương 14 vừa rồi?
Trong tình hình thực tế hiện nay của Đảng ta và nước ta, theo tôi được biết kết quả chuẩn bị nhân sự chủ chốt ở Hội nghị Trung ương 14 vừa qua là có triển vọng, cần hoan nghênh!
Theo ông có nên tiến tới việc tranh cử đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt hay không?
Cái đó thì tôi hoan nghênh! Kinh nghiệm cho thấy khi bầu một vị trí tốt nhất phải có ít nhất hai người đưa ra để chọn lựa. Những người đó phải đưa ra chương trình hành động để đại biểu xem xét bỏ phiếu. Cái này ở nước ta cũng đã đề cập nhưng lâu nay mới nói ở cấp dưới, còn cấp trên chưa làm được. Tôi nghĩ thực hiện dân chủ phải làm từng bước và sẽ đến lúc chúng ta thực hiện tranh cử như vậy.
Cũng liên quan đến vấn đề lựa chọn nhân sự khóa tới, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội nghị Trung ương 11 nhấn mạnh nhiều tiêu chí như không để lọt vào Trung ương những người vận động phe cánh, lợi ích nhóm, có tư tưởng cục bộ… Những người kê khai tài sản không trung thực hay nhiều đất, nhiều nhà mà không giải thích rõ nguồn gốc, người thân trong gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính thì cũng không nằm trong diện được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng . Những tiêu chí như vậy dư luận rất ủng hộ, nhưng liệu có thực hiện được hay không?
Điều này tùy thuộc rất nhiều vào công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các Bộ ngành, các địa phương, họ phải làm sâu sát mới chỉ rõ được những ưu điểm và thiết sót của cán bộ, công chức. Vì hiện giờ vợ con quan chức thường đứng tên tài sản, chứ quan chức không đứng tên. Như ở tỉnh nọ báo chí nêu ra “lâu đài” của quan chức to lắm, nhưng ông đó “cãi” luôn đó là nhà của con mình. Nhưng dân họ thắc mắc: Con ông đó lấy đâu ra tiền để có tài sản lớn như vậy?
Liệu người dân có thể tin tưởng sẽ không để lọt những người như vậy vào Trung ương?
Ước mơ thế, nhưng trong thực tiễn vẫn có những người không đủ tiêu chuẩn lọt được vào.
Có ý kiến cho rằng, những người được quy hoạch vào vị trí chủ chốt phải kê khai và công khai tài sản để nhân dân được biết và giám sát, thưa ông?
Thực tế hiện nay lãnh đạo chủ chốt đều kê khai tài sản, nhưng chỉ công bố trong tổ chức mà chưa có công bố công khai trên báo chí. Nhưng tôi tin rằng những nhân vật này dù có “lằng nhằng”, thiếu minh bạch về kinh tế, tài sản thì ai như thế nào dân đều biết cả. Cần có tiêu chí cụ thể để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia ý kiến về những vấn đề như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)