Đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn vào năm tới

(Dân trí) - Thông tin về nội dung phiên họp thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2017 cũng được xây dựng với chỉ tiêu tăng GDP 6,8%.

Chính phủ thống nhất nhận định, chỉ có tăng trưởng mới giải quyết được tất cả vấn đề liên quan đến xã hội, an sinh xã hội. Trong thời điểm hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, không tăng phí, lệ phí. Lộ trình điều chỉnh tăng phí lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế phải thực hiện chặt chẽ, không tăng đồng loạt.

Giá dầu hiện ở mức 48-49USD/thùng. Giá trần các mặt hàng thiết yếu, theo người phát ngôn Chính phủ, được phép điều chỉnh ở mức nào còn phụ thuộc vào biến động giá dầu. Trước hết Thủ tướng đã chốt không tăng giá bán lẻ điện, không tăng phí BOT đường bộ, không tăng giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trước đó, tại phiên họp của Chính phủ, báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) trình Chính phủ thảo luận cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tục trong 4 tháng qua. Riêng tháng 5, chỉ số giá tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan dự báo nhận định, dù lạm phát 5 tháng đầu năm thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao, đặc biệt là tình hình giá dầu thô và lương thực, nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục tăng. Hiện giá dầu thô đã tăng 80% so với mức giá thấp nhất trong tháng 1/2016 và có thể tăng cao hơn trong thời gian tới, sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu, đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra.

Khi lạm phát tăng cao sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất huy động, khó có thể thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và tăng trưởng.

Cuộc họp báo được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngay sau khi Chính phủ kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 5.
Cuộc họp báo được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngay sau khi Chính phủ kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 5.

Kinh tế vĩ mô 5 tháng qua được đánh giá vẫn cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thu hút vốn FDI tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, vốn FDI cam kết và thực hiện đều tăng cao so với cùng kỳ. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, những mặt yếu kém, tồn tại vẫn thấy rõ như kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao; các chỉ số về tiền tệ, tín dụng đều cao hơn cùng kỳ năm trước, sẽ tác động đến mặt bằng giá trong thời gian tới. Lạm phát tăng cao, sẽ khó thực hiện mục tiêu điều chỉnh giảm lãi suất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Tốc độ phục hồi kinh tế đang có xu hướng chậm lại không chỉ trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mà cả trong khu vực công nghiệp chế biến.

Ngành khai khoáng cũng tăng trưởng âm do giá dầu giảm xuống ở mức thấp. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng gần đây có xu hướng giảm sút. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.

Những lo ngại trong việc sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp diễn khó khăn vì hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Vụ lúa đông xuân năm nay giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng lúa so với vụ đông xuân năm trước, diện tích gieo cấy giảm 1%, năng suất lúa ở các vùng thiên tai giảm từ 4 tạ/ha - 6,6 tạ/ha; sản lượng lúa đông xuân cả nước giảm gần 1,9 triệu tấn so với vụ đông xuân năm trước.

Riêng Tỉnh Bến Tre, 98% diện tích lúa bị mất trắng, sản lượng lúa chỉ bằng 1% cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo cấy lúa hè thu bị chậm, nên mới chỉ bằng 89,4% cùng kỳ năm trước.

Cũng do ảnh hưởng thiên tai và ô nhiễm môi trường, sản lượng thủy sản chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,1%), trong đó, nuôi trồng ước tăng 0,5%; khai thác ước tăng 3,1%.

Nói về một điểm nhấn trong hoạt động của Chính phủ tháng 5 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề cập đến hoạt động đối ngoại.

Bộ trưởng Dũng điểm lại, từ 16-25/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, theo lời mời của Thủ tướng Nga D.Medvedev. Trong chuyến thăm, 2 Thủ tướng đã có cuộc hội đàm, bàn về nhiều vấn đề như thương mại, du lịch, đầu tư, trong đó có nhiều dự án mà 2 Chính phủ 2 nước đã ký kết. 2 Thủ tướng cũng bàn những vấn đề hết sức có chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích nhân dân 2 nước. Kết quả từ chuyến thăm sẽ tạo những xung lực mới kích thích phát triển quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam và Nga.

Tiếp nối chuyến đi Nga, từ 26-28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dự Hội nghị thượng định G7 mở rộng tại Nhật Bản. Tại phiên họp chính thức, Thủ tướng có bài phát biểu hết sức quan trọng, trong đó tập trung bàn việc nâng cao hạ tầng khu vực, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và hợp tác, tương trợ giữa các nước.

Trao đổi nhiều nội dung với Nhật Bản, Việt Nam thống nhất nhập quả lê của Nhật cũng như Nhật sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam như xoài, vài thiều, thanh long ruột đỏ.

Việc miễn thị thực cho công dân, nhà đầu tư Nhật Bản, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích, hiện tại Việt Nam áp dụng thị thực 3 tháng với công dân Nhật. Thủ tướng đã trao đổi là sẽ xem xét nâng thời hạn thị thực này, với nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho công dân Nhật tới Việt Nam cũng như để thu hút nhà đầu tư Nhật vào trong nước.

Nhắc đến việc Việt Nam tiếp đón thành công Tổng thống Mỹ Obama tới thăm trước hội nghị G7, người phát ngôn Chính phủ khẳng định, việc này có tác động rất lớn tới thành công chung của hội nghị thượng đỉnh tại Nhật. Các nước tham dự hội nghị đều bày tỏ sự thán phục và chúc mừng Việt Nam về hoạt động đối ngoại thành công này.

P.Thảo