Dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam gia tăng

(Dân trí) - Việt kiều từ Campuchia di cư tự do về Việt Nam ngày càng gia tăng và sinh sống ở dọc các tuyến biên giới, đa số họ không có giấy tờ tùy thân, đã nhập quốc tịch Campuchia hoặc không có quốc tịch và đông con…

Vấn đề này được đưa ra tại Hội nghị Chuyên đề về công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh và vấn đề định cư, sinh kế cho đồng bào Việ kiều từ Campuchia về Việt Nam do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ) cùng tỉnh Sóc Trăng tổ chức sáng nay (23/8).

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, đa số Việt kiều từ các tỉnh Kanđal, Kompông Thom, Kompông Chhnăng, Pôsat, Phnôm Pênh… di cư về một số huyện giáp biên thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang để sinh sống. Nguyên nhân của tình trạng di cư này có nhiều lí do. Dân di cư về Việt Nam hầu hết không có giấy tờ tùy thân, đã nhập quốc tịch Campuchia hoặc không có quốc tịch và đông con…

Hội nghị diễn ra sáng 23/8
Hội nghị diễn ra sáng 23/8

Được biết, các tỉnh có dân tại Campuchia di cư tự do về Việt Nam đã thực hiện kế hoạch rà soát, quản lý kiều bào về nước, hướng dẫn người dân làm thủ tục xác định về quốc tịch và giải quyết về quốc tịch và nhập khẩu được 9.558 khẩu.

Các địa phương cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn về đời sống, đặc biệt là về nhà ở, y tế, giáo dục và tạo mọi điều kiện thuận lợi, cần thiết, đúng theo quy định của pháp luật, góp phần giúp đồng bào hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Về công tác dân tộc, tôn giáo vùng Tây Nam Bộ, đây là vấn đề được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm. Các công trình trọng điểm, thiết yếu từ nhiều nguồn lực thông qua Chương trình 135 và các nguồn vốn lồng ghép khác đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 3,54% cuối năm 2015, riêng tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 13,01%.

Tình hình an ninh cơ bản ổn định, bao gồm cả an ninh biên giới, an ninh kinh tế, an ninh nội bộ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; riêng tình hình an ninh biên giới còn có nhiều phức tạp. Việc phân định đường giới cắm mốc chưa đạt được kết quả như mong muốn, phấn đấu đến năm 2017 sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này.

Kết luận Hội nghị này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nhấn mạnh: Gốc của vấn đề là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo sinh kế cho đồng bào và giảm nghèo bền vững, nhất là vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ giải quyết khó khăn cho nhân dân vùng hạn hán-xâm nhập mặn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng lưu ý đến tăng cường công tác an ninh biên giới gắn liền vấn đề dân tộc, tôn giáo và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ lưu ý để hỗ trợ kinh phí cho các nhu cầu bức thiết trong vùng về chính sách dân tộc, tôn giáo, giảm nghèo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội và Bộ Tài chính bố trí ngay 70% kinh phí sự nghiệp cho 6 tỉnh thực hiện quyết định của Thủ tướng về Đề án tổng thể đối với người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam. Bộ Tư pháp giải quyết hộ tịch, hộ khẩu cho bà con di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam phải tuân thủ pháp luật hiện hành.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Ngoại giao phải giải quyết từ gốc, cố gắng hoạt động theo con đường ngoại giao để giải quyết thủ tục cho dân di cư được sống ở Campuchia hợp pháp trên tinh thần hữu nghị và đúng pháp luật Campuchia.

Châu Như Quỳnh