Đại biểu Quốc hội trăn trở việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa

(Dân trí) - “Từ đầu năm Trung Quốc đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016). Tại đây, các đại biểu tiếp tục nêu rõ những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông và gửi gắm Quốc hội khóa XIV (2016-2021) lưu ý vấn đề này.

Trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) nêu rõ các “khoản nợ” của Quốc hội khóa XIII với cử tri, nhân dân. Cụ thể, đó là thái độ, lời nói và hành động của Quốc hội trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ tình hình thực tế, đại biểu dự báo năm 2016 sẽ là một năm thách thức căng thẳng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Chúng ta biết những ngày vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, có thống nhất với Việt Nam sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông. Thế nhưng từ đầu năm họ đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn chỉ rõ.


Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu rõ khoản nợ vấn đề biển Đông của đại biểu Quốc hội với cử tri, nhân dân. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu rõ "khoản nợ" vấn đề biển Đông của đại biểu Quốc hội với cử tri, nhân dân. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cùng chung nỗi trăn trở: “Cử tri cho rằng chúng ta chưa có những phản ứng đúng với tình hình biển Đông. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV lưu ý vấn đề này”.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) cho biết, ngoài biển Đông, tàu, thuyền của ngư dân vẫn luôn bị đe dọa, bị xua đuổi, đâm, húc ác nghiệt, mang âm mưu bành trướng. Vì vậy đại biểu Tâm cho rằng những thử thách, khó khăn của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ.

“Quốc hội và toàn thể bộ máy nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình. Hy vọng rằng, cùng với thành công của Đại hội Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tới đây được tổ chức thực sự dân chủ, sẽ lựa chọn được đội ngũ tốt nhất, tạo ra niềm hứng khởi cho nhiệm kỳ mới bắt đầu”, đại biểu đoàn Sóc Trăng tin tưởng.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, những vấn đề bức xúc khi bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là thử thách bản lĩnh của đại biểu Quốc hội và cả Quốc hội. Tuy nhiên, qua “bức tranh tổng kết nhiệm kỳ”, đại biểu lại nhận thấy “Biển Đông vẫn chưa ngừng gợn sóng”.

Chính vì vậy, đại biểu đoàn Thanh hóa đề nghị những trăn trở âu lo đó cần phải được thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết của nhiệm kỳ, dù chỉ còn ý nghĩa để bàn giao lại cho Quốc hội khóa sau.

Trước Quốc hội, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ nỗi lo về ngoại xâm. Điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa.

“Chúng ta có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia”, đại biểu Dung băn khoăn.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh về vấn đề đối ngoại của Quốc hội. Theo đại biểu, hoạt động ngoại giao này tác động trực tiếp đến người dân. Cụ thể, làm sao cho ngư dân đi biển yên tâm, không bị ai đàn áp? Làm sao cho biển không còn gợn sóng? Làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền đất nước?

Trên lĩnh vực này, đại biểu Dương Trung Quốc nhận thấy cử tri và nhân dân vẫn chưa hài lòng. “Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất tiếng nói của dân, nhiều phản ứng chúng tôi cho còn chậm. Quốc hội chính là lĩnh vực ngoại giao nhân dân cao nhất, trải nghiệm lịch sử tôi thấy tiếng nói Quốc hội rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn thể hiện được mong muốn hòa bình”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu.

Quang Phong