Đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” trách nhiệm bồi thường sau vụ nước mắm asen

(Dân trí) - Thảo luận về dự thảo luật về Hội sáng nay, 25/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, vụ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố thông tin nước mắm có thạch tín (asen) vừa qua khiến dư luận nổi sóng cho thấy cần quy định việc “cấm” các hội lạm quyền của cơ quan quản lý nhà nước…

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu trong phiên thảo luận (ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu trong phiên thảo luận (ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập nhiều nội dung trong dự thảo luận, trong đó có vấn đề quyền và nghĩa vụ của hội (quy định tại Chương IV).

Ông Cương đặt vấn đề, vừa qua dư luận ồn ào, nổi sóng khi hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố hàm lượng thạch tím còn gọi là asen trong nước nắm gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm thiệt hại cho sản xuất nước nắm truyền thống trong cả nước.

Điều quan trọng là việc công bố tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là thẩm quyền của hội. Đại biểu chỉ rõ, Nghị định 45 của Chính phủ, tại Điều 23 quy định về quyền của hội thì không có bất cứ điều khoản nào cho phép hội công bố thông tin về chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Trong khi đó Điều 24 của Nghị định 45 cũng quy định không được lợi dụng hoạt động hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức.

Đối chiếu với các quy định hiện hành, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội cho rằng việc công bố nước mắm có asen của Vinastas là trái phép và hậu quả của việc làm vi phạm này sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý tới đây. Theo ông Cương, Vinastas có thể phải yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 45.

Vấn đề lớn hơn, qua vụ việc này, theo ông Cương, một yêu cầu đặt ra cho Luật về hội là phải xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định của Nghị định 45. Hiện nay quy định này được đưa lên thành quy định cấm tại Khoản 3, Điều 9 của dự thảo nhưng đại biểu kiến nghị cần quy định rộng hơn theo hướng không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước.


(Ảnh: Hoàng Long)

(Ảnh: Hoàng Long)

“Việc các hội được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước là xu hướng của nhiều nước. Tôi thấy không nên cho phép các hội quản lý tham gia quản lý nhà nước hoặc nếu cho phép cũng phải đưa vào luật” – ông Cương kiến nghị.

Về vấn đề hội nhận tài trợ để hoạt động, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) tán thành hướng quy định linh hoạt để có quản lý hợp lý trong từng trường hợp. Đại biểu đề cập quy định hội không nhận tài trợ nước ngoài để phân tích, hoạt động hợp tác quốc tế của hội là cần thiết, trong đó có cả hoạt động trợ giúp kỹ thuật tài trợ vật chất. Vấn đề cần làm rõ ở đây là nên hạn chế nhận tài trợ từ ai trong trường hợp nào, ở mức độ nào là phù hợp đúng mức.

Theo đó, nhận tài trợ để làm những việc vi phạm, gây hậu quả cho cộng đồng cần lên án, loại bỏ nhưng như hoạt động của các tổ chức của Liên Hợp Quốc, ví dụ Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ vật chất cho Hội bảo trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam thì vấn đề có cần hạn chế hay không, theo đại biểu, cần xem xét, suy nghĩ.

Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) phân tích trên cả 2 hướng quan điểm. Loại ý kiến tán thành việc cấm nhận tài trợ từ nước ngoài nhằm nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết ra nhập các hội nước ngoài nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Mặt khác, thực tế đang có nhiều tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế đã ủng hộ tài trợ cho những hoạt động nhân đạo từ thiện ở Việt Nam. Thông qua hoạt động của các hội, các cơ quan đã vận động thu hút được nhiều nguồn tài trợ để có thêm những khoản tiền, vật chất hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân của các tai nạn xã hội.

Các hội khi nhận nguồn tài trợ như vậy, theo đại biểu, thực chất chỉ đóng vai trò trung gian tiếp nhận để chuyển giao đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội hoặc ủng hộ xây dựng các cơ sở hạ tầng như cầu đường, trường học ở những địa bàn còn khó khăn theo nguyện vọng của nhà tài trợ.

“Với những tấm lòng, những hoạt động mang tính thiện nguyện nhân đạo vì yêu mến chia sẻ với người Việt Nam thì việc không cho các hội nhận tài trợ của tổ chức cá nhân nước ngoài e không phù hợp với xu hướng hội nhập và sự cần thiết trong thu hút nguồn nhân lực cho an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện. Cả nước là khoảng 63.000 hội, cần thiết có việc đánh giá nghiêm túc, rút kinh nghiệm để có ban hành chính sách pháp luật phù hợp thúc đẩy hội phát triển tốt hơn theo khuôn khổ của pháp luật thay vì giới hạn. Rốt cuộc người thiệt thòi thực sự là người dân có hoàn cảnh khó khăn chứ không phải là các hội” – đại biểu Tuấn nói.

P.Thảo