“Cụ Ngạn” Đỗ Mười trong ký ức của đồng đội thời đánh Pháp

(Dân trí) - Trong bài ký “Anh Mười ở tả ngạn sông Hồng”, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận 5, Tham mưu phó Khu tả ngạn Nguyễn Sáng vẫn còn nguyên vẹn, sinh động những kỷ niệm nhiều khi sâu đậm đến lớn lao, nhưng có khi lại rất đơn giản, bình dị về Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy khu thời đánh Pháp (1947-1954).

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi làm Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hải Phòng sau thời gian nằm vùng hoạt động ở quân khu Tả ngạn.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi làm Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hải Phòng sau thời gian nằm vùng hoạt động ở quân khu Tả ngạn.

Nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận 5 viết: “Có thể nói, Mặt trận 5 là tiền thân của Khu Tả Ngạn. Nó được lập từ năm 1947, khi mà đường 18, đường số 5, Đông Triều, Phả Lại, Thủy Nguyên, Núi Đèo, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An bị biến thành "vành đai trắng" của địch. Đồng chí Hoàng Minh Thảo là Chiến khu trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận 5; đồng chí Ngô Lân làm Tham mưu trưởng.

Khi lập Khu Tả Ngạn, đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy; đồng chí Nguyễn Khai làm Phó Chính ủy kiêm Tư lệnh khu; đồng chí Dương Hữu Miên làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; tôi làm Tham mưu phó. Toàn bộ cơ quan Mặt trận 5 chuyển sang là cơ quan ngành quân sự của Khu Tả Ngạn. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về anh Đỗ Mười, khi ấy là Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu, kiêm Chính ủy Khu Tả Ngạn…

… Khó nhất là phán đoán hành động của địch. Địch thì rất xảo quyệt. Có khi chúng kéo quân từ Hà Nội, Hải Phòng về tập kết ở thị trấn Ninh Giang (Hải Dương), rồi từ đây, dựa vào phương tiện vận tải thủy, bộ, chúng có thể đột ngột kéo lên phía bắc sông Luộc, càn Hưng Yên, Hải Dương, hoặc xuống phía nam sông Luộc là Thái Bình, Kiến An. Ta căn cứ vào sự nắm bắt tình hình của tình báo các địa phương, kết hợp với sự nhận định, phán đoán rồi từ đó mà khẳng định địch sẽ càn quét ở đâu, hướng nào là trọng điểm, hướng nào là mập mờ nghi binh.

Những lúc này, anh Mười cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh khu gọi anh em tham mưu, kể cả trợ lý tác chiến, đến báo cáo tình hình cụ thể, dân chủ đề xuất ý kiến phán đoán của mình. Cuối cùng, anh Mười phân tích, kết luận và khẳng định về ý đồ của địch.

Tôi nhớ khoảng cuối năm 1952, địch dùng lực lượng khá lớn, 3 - 4 binh đoàn cơ động, phần lớn là quân Âu - Phi, càn khu vực nam và bắc huyện Thanh Hà (Hải Dương). Địch dùng từ 1 đến 2 binh đoàn càn quét một làng, một xóm, rồi chốt lại ở đó qua đêm. Hằng ngày địch lùng sục, dẫm nát đường sá, đào bới vườn tược, tìm bắt người của ta. Ở đây có con sông Ruột Lợn bao quanh huyện. Chiều chiều, thủy triều dâng lên, nước con sông Ruột Lợn dâng theo. Mọi lần bộ đội du kích thường xuống hầm bí mật để đến đêm lên đánh địch. Nhưng lần này địch có quá nhiều quân ở một thôn, một xóm, dù có lên được ta cũng khó hoạt động, ở lại hầm suốt đêm thì hầm ngập nước và không ai tiếp tế vì dân bị địch dồn đi tập trung.

Trước thực tế đầy khó khăn đó, anh Mười xem xét rồi chỉ thị cho địa phương kiên quyết cho rút hết cán bộ cơ sở sang bên kia sông, tạm thời chưa hoạt động, chỉ để một vài cán bộ cơ sở nhiều tuổi, già yếu ở lại trà trộn tập trung với dân để nắm tình hình. Nhờ tính quyết đoán rất nhanh, rất trúng của anh Mười, mà anh em chúng tôi bớt ám ảnh về chuyện "địch đến, không đánh mà lại rút ra ngoài". Thực tế cho thấy đây là một quyết định đúng đắn, táo bạo, tránh được tổn thất, tạm lùi để rồi tiến.

Sau này, chúng tôi được biết đấy là một kiểu càn quét mà Pháp rút kinh nghiệm qua một số cuộc chiến tranh ở Philíppin, Malaixia, Trung Quốc, để vận dụng vào Việt Nam. Anh em chúng tôi gọi là kiểu càn "bắt cá ngóc". Cuộc càn này địch lấy tên là "Rắn độc" (Vipêrin).

Hình ảnh, thông tin về Quân khu Tả ngạn trên báo đảng thời bấy giờ
Hình ảnh, thông tin về Quân khu Tả ngạn trên báo đảng thời bấy giờ

Có lần vào một tối mùa đông, chúng tôi được tin địch sẽ càn vào khu vực mà Bộ Tư lệnh khu đang ở. Anh em được lệnh ăn cơm sớm để chuyển địa điểm, đánh càn. Đêm tối mịt mùng, anh Khai, anh Miên và anh em cơ quan ra xếp hàng một ở đầu xóm. Tôi vào chỗ anh Mười. Anh đã sẵn sàng chờ ở sân, khoác tay nải cùng đồng chí bảo vệ đi ngay. Tôi lại nhanh chân ra chỗ xếp hàng, đếm lại thấy thiếu 3-4 người. Tôi vội quay lại để thúc giục. Hạn chế dùng đèn pin tôi luồn từ chái nhà nọ sang nhà kia, theo lối tắt tìm anh em, khiến các anh phải đứng chờ tới 15 - 20 phút.

Chúng tôi vừa ra đến chỗ xếp hàng quân, khoảng 12 người, thì thấy anh Mười nói khẽ nhưng đủ nghe: "Cậu để mình chỉ huy". Nói xong, anh đi lên phía trước khẽ hô: "Đứng nghiêm! Bước đi, bước!".

Tôi đi cuối cùng thấy mấy tiếng cười khúc khích. Có tiếng hỏi: - Bố nào lại hô thế? Làm gì có khẩu lệnh: "Đứng nghiêm! Bước đi, bước!". Và có tiếng trả lời: "Khẽ chứ, cụ Ngạn hô đấy!". Hiểu ra, anh em lại khúc khích cười.

Kỷ niệm về anh Mười nhiều khi sâu đậm đến lớn lao, nhưng có khi chỉ đơn giản thế thôi. Nói chung, chúng tôi cảm nhận được lúc nào anh cũng dân chủ, cởi mở, rộng lượng, không cáu gắt với ai, anh em rất dễ gần anh…”.

PV