Cán bộ Bộ Chính trị quản lý, ai chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản?
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu băn khoăn, nếu giao Thanh tra Chính phủ nhiệm vụ, chức năng là cơ quan kiểm soát tài sản của cán bộ thì vừa “quá tải” công việc vừa khiến Thanh tra Chính phủ gặp khó khi đối tượng phải kiểm soát thậm chí ở nhiều cơ quan cấp cao hơn…
Đây là một vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 11/4. Do tính chất phức tạp, dự thảo luật đã được quyết định kéo dài thời gian xem xét, quyết định với quy trình thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội.
Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản cán bộ cấp Thứ trưởng trở lên?
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau lần cho ý kiến đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, sau lần thảo luận vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự thảo Luật.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị.
Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ chọn phương án Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Đa số ý kiến tại UB Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự án luật chọn phương án hai.
Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên (tương đương Thứ trưởng – PV) công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương; người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại các cơ quan này thì giao cho thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra của cơ quan, đơn vị đó, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giao cho TAND tối cao, VKSND tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này. Giao cho Ban Công tác đại biểu thuộc UB Thường vụ Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Cán bộ, công chức mới không thuộc diện kiểm soát tài sản
Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận lần đầu tại nghị trường.
Theo đó, nhiều ý kiến tán thành với phương án thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định kê khai đối với trường hợp được bầu, bổ nhiệm mà không quy định đối với tất cả. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng…
Ông Khái cho biết, sau khi nghiên cứu, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giải trình lý do giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng, Chính phủ nêu rằng Trung ương Đảng đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới, từng bước mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ngoài ra, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa thực chất xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chưa quản lý được dữ liệu bản kê khai, chưa kiểm soát được biến động tài sản, thu nhập, chưa xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật.
Gợi mở thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu băn khoăn, nếu giao Thanh tra Chính phủ nhiệm vụ, chức năng là cơ quan kiểm soát tài sản của cán bộ thì “quá tải” công việc. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ gặp khó khi đối tượng phải kiểm soát không chỉ là cán bộ trong hệ thống của mình mà thậm chí ở nhiều cơ quan cấp cao hơn như Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương của Đảng… Nếu thành lập cơ quan độc lập, chuyên trách vấn đề này thì lại dẫn tới phình bộ máy, phát sinh biên chế, ngược lại với chủ trương tinh gọn hệ thống các cơ quan nhà nước hiện nay.
P.Thảo