Bồi hồi nhớ hình ảnh cờ giải phóng cắm trên Dinh tỉnh trưởng Bình Định
(Dân trí) - Trong cuộc chiến ác liệt một mất một còn, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, biết bao người con Bình Định đã ngã xuống vì quê hương. Những người may mắn trở về hôm nay được hội ngộ ôn lại một thời khói lửa hào hùng của 40 năm trước.
Buổi Tọa đàm “Chiến thắng Bình Định – Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện” diễn ra chiều 30/3 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975- 31/3/2015).
Những ngày cuối tháng 3 lịch sử, cùng với các địa phương trong cả nước, khắp các huyện, thị xã ở Bình Định lại nao nao sống lại những năm tháng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Cách đây 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Liên Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Bình Định, quân và dân trong tỉnh Bình Định đã đồng loạt tổng công kích, nổi dậy giải phóng thị xã Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh Bình Định, ngày 31/3/1975.
Trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, Bình Định luôn là chiến trường nóng bỏng của cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, quân và dân Bình Định đã chiến đấu 15.146 trận lớn nhỏ. Loại ngoài vòng chiến đấu 157.317 tên; thu 11.654 súng các loại; phá huỷ 514 kho; bắn cháy 2.385 xe vận tải quân sự, 364 xe tăng và xe bọc thép; bắn rơi 440 máy bay các loại; đánh chìm 41 tàu thuyền Quân sự các loại. Diệt gọn 2 tiểu đoàn; 34 đại đội và 84 trung đội….
Lặn lội đón xe đò từ huyện Hoài Nhơn vào TP Quy Nhơn cả 100 km, thương binh Cao Văn Đúng (70 tuổi, ở Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn), người từng tham gia nhiều chiến trường, trận đánh lớn ở Bình Định, bồi hồi kể lại: “Tôi tham gia tại nhiều chiến trường ở trong tỉnh, từ Hoài Nhơn vào Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn..., Mỗi trận chiến, cái chết luôn cận kề người lính, nhưng chúng tôi thà hy sinh chứ không chịu mất nước. Anh em chúng tôi xác định, dù có chết cũng chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc”.
Còn ông Võ Lựa (64 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn), nguyên là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 50 (Trung đoàn 93), người chiến sĩ năm xưa cắm lá cờ giải phóng trên Dinh tỉnh trưởng Bình Định vào ngày 31/3/1975, vừa xúc động vừa tự hào, cho biết: “Cứ mỗi lần vào Quy Nhơn hình ảnh lá cờ giải phóng được tôi và các đồng đội cắm lên Dinh tỉnh trưởng, đánh dấu thời khắc lịch sử giải phóng Quy Nhơn là những kỷ niệm xưa lại ùa về. Tôi lại nhớ đến những đồng đội cũ từng vào sinh ra tử, những người đã ngã xuống ngay thời khắc Quy Nhơn giải phóng”.
Cũng như những đồng đội từng tham gia ở khắp chiến trường trong tỉnh, góp phần giải phóng Bình Định, bà Lê Thị Thu Sương – nguyên Trợ lý dân quân của Tỉnh đội Bình Định giai đoạn 1973- 1975 vẫn còn nhớ như in về những trận càn quét ác liệt của địch. Chứng kiến những đồng đội mình ngã xuống, bà Sương không khỏi bùi ngùi: “Khoảng 5h15 sáng 16/3/1975, đồng loạt các đơn vị D8, D50, D52 và Đặc công Đ10 nổ mìn, đánh vào chốt địch tại 03 điểm gồm thôn Hảo Đức (xã Nhơn An), cầu Đập Đá và thôn Thanh Giang (xã Nhơn Phong). Đánh đến 7 giờ sáng, Tiểu đoàn 8 tiêu diệt đại đội bảo an Ngụy chốt ở Nhơn An, địch ở các chốt co cụm chống trả rất quyết liệt và chúng gọi được lực lượng không quân ở Phù Cát phản kích. Trong cuộc chiến này, chiến sĩ ta thuộc Tiểu đoàn 50 bị hy sinh và bị thương nhiều. Tuy nhiên, với tình thân yêu nước, chống giặc ngoại xâm, các chiến sĩ ta vẫn anh dũng chiến đấu, góp phần giải phóng Quy Nhơn sau này”..
Doãn Công