Bộ trưởng KH-ĐT trả lời câu hỏi “đầu tiên” về sân bay Long Thành

(Dân trí) - Báo cáo về các nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã được gửi tới Quốc hội trước phiên đăng đàn của vị tư lệnh ngành. Với câu hỏi “tiền đâu”, lấy đâu 23.000 tỷ đồng cho tiểu dự án giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành? Bộ trưởng cho biết, ngoài 5.000 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, 18.000 tỷ còn thiếu có thể lấy từ nguồn dự phòng…

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Dự án sân bay Long Thành là một vấn đề nổi lên trong nhóm nội dung được chọn cho phiên chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT: trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Tại báo cáo, Bộ trưởng thông tin khái quát về dự án sân bay Long Thành - dự án chuẩn bị được Quốc hội biểu quyết tách phần giải phóng mặt bằng theo đề xuất của Chính phủ.

Cụ thể, đây là dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015. Theo nghị quyết dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 114.450 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2014). Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua và dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào năm 2019.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Chính phủ đã trình Quốc hội trong kỳ họp này việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước. Về nguồn vốn thực hiện, dự kiến nhu cầu để giải phóng mặt bằng, tái định theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai là 23.019 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2017).

Tại nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016, Quốc hội đã cho phép sử dụng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

“Đối với số vốn còn thiếu khoảng 18.019 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để tiếp tục triển khai thực hiện” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Báo cáo cũng nêu rõ, do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc sử dụng các khoản dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được Quốc hội cho phép nên còn một số dự án quan trọng, cấp bách chưa cân đối được nguồn bố trí.

Vị tư lệnh ngành dẫn chứng, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án thiếu vốn tiếp theo được điểm danh là dự án nâng cấp mở rộng QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (tỉnh Bình Định); Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13;

Các dự án BT phải thanh toán từ ngân sách Trung ương được Bộ trưởng đề cập là dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, dự án nâng cấp mở rộng QL20 – dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2...

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu chính phủ để giải quyết trước một số dự án thực sự cấp thiết như dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nêu trên.

P.Thảo