Tấn công mạng:

Bộ trưởng cảnh báo tình trạng lộ thông tin, mất tiền trong tài khoản

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động, điển hình là hiện tượng người sử dụng bị mất tiền trong các tài khoản ngân hàng thường xuyên xảy ra…

Đây là con số cũng như vấn đề được nêu trong văn bản báo cáo của Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn gửi tới Tổng thư ký Quốc hội để chuẩn bị cho phiên đăng đàn trả lời chất vấn trước UB Thường Quốc hội vào ngày 18/4 tới đây. Báo cáo đi vào các nhóm vấn đề được đặt ra cho phiên chất vấn, như công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lộ thông tin, người dùng mạng mất tiền trong tài khoản ngân hàng

Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập một số nguy cơ, thách thức về an toàn thông tin mạng nổi bật đối với Việt Nam.

Theo đó, nạn tấn công mạng vẫn tiếp tục tăng về quy mô và số lượng, nhất là các cuộc tấn công mạng có chủ đích dẫn đến lộ, lọt thông tin. Điển hình là vụ tấn công mạng vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào cuối tháng 7/2016. Tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại, nhất là các phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu để tống tiền tăng cao, đặc biệt, hình thức lây nhiễm các loại phần mềm này cũng được mở rộng, thậm chí có thể lây lan qua các mạng xã hội.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, lừa đảo trực tuyến, nhất là lừa đảo trên mạng xã hội và qua tin nhắn vẫn còn phổ biến. Nhiều người sử dụng do cả tin, nhận thức về an toàn thông tin còn hạn chế nên vẫn dễ dàng mắc lừa dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị công nghệ ngày càng thể hiện rõ nét. Nhiều cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) có lưu lượng tấn công lớn với nguồn tấn công là các thiết bị như router, camera an ninh... đã xảy ra, dẫn đến thiệt hại và ảnh hưởng hoạt động của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến khác.

Liên tiếp nhiều khách hàng, nhiều ngân hàng bị tấn công, đánh cắp thông tin, lấy tiền từ tải khoản thời gian qua.
Liên tiếp nhiều khách hàng, nhiều ngân hàng bị tấn công, đánh cắp thông tin, lấy tiền từ tải khoản thời gian qua.

Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Điển hình là hiện tượng người sử dụng bị mất tiền trong các tài khoản ngân hàng thường xuyên xảy ra - văn bản của Bộ trưởng nêu rõ.

Trong văn bản, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết nhiều con số cụ thể. Như, trong năm 2016, ghi nhận tổng cộng 144.375 sự cố tấn công mạng của cả ba loại hình phishing, malware và deface. Quý 1/2017 ghi nhận gần 3.700 sự cố tấn công mạng.

Trong năm 2016, thông qua đầu số 456, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) ghi nhận được 591.427 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 18% số lượng ghi nhận được so với cùng kỳ năm 2015.

Danh sách quốc gia có nguy cơ mất an toàn thông tin cao

“Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có nguy cơ về mất an toàn thông tin cao trong các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Vấn đề này đang gây ra những thiệt hại lớn, đồng thời đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam đối với quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin” – người đứng đầu ngành nhận định.

Người đứng đầu ngành thông tin khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, hành lang chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng đã cơ bản hình thành ở mức cao và đang dần hoàn thiện ở mức chi tiết.

Các chỉ số đánh giá về an toàn thông tin qua mỗi năm đều có những chuyển biến theo hướng tích cực, Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam năm 2016 là 59,9% so với 46,4% năm 2015 và 39% năm 2014.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công tác bảo đảm an toàn thông tin vẫn còn bị động. Đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Khảo sát thực tế thời gian vừa qua cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, các cơ quan Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút các chuyên gia giỏi về an toàn thông tin vào làm việc, do thu nhập và chế độ đãi ngộ thấp.

P.Thảo