Bộ Quốc phòng hội thảo khoa học về chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh
(Dân trí) - Hội thảo cấp Bộ Quốc phòng Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh nhằm tiếp tục khẳng định tầm vóc và bài học lịch sử sau 50 năm (1968-2018). Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Hội thảo sẽ diễn ra tại tỉnh Nghệ An ngày 9/7 tới. Tham dự có lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Trị, Thừa thiên – Huế, Quảng Bình và các nhân chứng lịch sử.
Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ướng. Sự kịp thời, linh hoạt và kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Nghệ thuật chỉ huy tác chiến của các lực lượng vũ trang, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các lực lượng tham gia chiến dịch.
Âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, bản chất hiếu chiến, ngoan cố của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc thiết lập Đường 9 - Khe sanh nhằm ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam qua tuyến vận tải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Bộ Quốc phòng thông qua hội thảo nhằm nhấn mạnh tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự; phát huy, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Năm 2018, các hoạt động kỷ niệm 50 chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Theo sử liệu, trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Mỹ ngụy đã xây dựng tuyến Đường 9 - Khe Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị, thành khu vực trọng điểm có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Giới quân sự ví Đường 9 - Khe Sanh như bức “bình phong” giúp Mỹ ngụy dễ dàng thực hiện được ý đồ của mình.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 trên toàn miền Nam nói chung, ở mặt trận Quảng Trị nói riêng, lực lượng của ta gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân, đều hạ quyết tâm cao nhất, đánh địch ở tất cả địa bàn từ vùng có vị trí chiến lược đến “sào huyệt” của Mỹ ngụy ở thành thị, qua đó đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa về mặt chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam.
C.N.Q