“Bộ phận quản lý giấy phép không muốn cải cách để tước bỏ quyền lợi của mình!”

(Dân trí) - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu nhận xét đó tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành về việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc đơn đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh ngày 12/7.

Cuộc họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì. Cuộc họp diễn ra khi đã quá nửa năm 2018 mà tiến độ việc cải cách, cắt giảm thủ tục của các bộ ngành quá chậm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác mời các bộ còn các thủ tục liên quan thống nhất cách làm giải quyết công việc.


Cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành do Thủ tướng yêu cầu khi đã quá nửa năm mà việc cải cách, cắt giảm thủ tục của các bộ quá chậm

Cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành do Thủ tướng yêu cầu khi đã quá nửa năm mà việc cải cách, cắt giảm thủ tục của các bộ quá chậm

Bộ ngành lên truyền hình công bố cải cách nhưng thực chất chưa làm

Theo kế hoạch, ngày 30/6, các bộ trình các dự thảo nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh để hoàn thành vào 30/7 nhưng đến nay hầu hết các bộ vẫn mới đang trong giai đoạn soạn thảo nghị định. Mới có Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp đã xong dự thảo, đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Một số thì mới đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định, chưa chuyển sang Văn phòng Chính phủ.

Khái quát chung, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, các bộ chuyển động chậm, những bất cập, tồn tại về thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

“Việc cắt giảm nhiều Bộ đã có phương án công bố trên truyền hình nhưng thực chất chưa làm. Chúng ta công bố xong rồi để thời gian quá dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng, 15/8 các Bộ phải hoàn thành các thủ tục và trình Thủ tướng theo thủ tục rút gọn, một nghị định sửa nhiều nghị định.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn chứng sự việc mà Hội đồng thương mại Hoa Kỳ đã phản ánh. Một tàu chở 5 loại hàng của 5 chủ hàng, nhưng theo yêu cầu của Hải quan, doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục của cả 5 lô hàng mới được thông quan, dẫn đến việc 4 lô hàng xong thủ tục rồi mà vẫn phải chờ lô hàng còn lại.

Giải thích về việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, sau khi tàu vào, hải quan phải đưa toàn bộ 5 lô hàng xuống cảng, tiếp nhận vào kho bãi.

“Giả sử có 5 chủ hàng độc lập thì không có chuyện 4 lô hàng xong rồi vẫn tắc được. Có thể 1 lô hàng, chủ hàng mở rất nhiều tờ khai vì trong lô đấy có rất nhiều hàng hóa khác nhau trong khi chính sách của nhà nước là quản lý từng loại hàng hóa khác nhau. Căn cứ vào từng tờ khai, cơ quan Hải quan xem được tờ khai nào thì thông quan tờ khai đó, không có đoạn nào tắc hết cả”- ông Bình nói.

Xóa bỏ độc quyền trong hoạt động kiểm tra

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Việc cắt giảm nhiều Bộ đã có phương án công bố trên truyền hình nhưng thực chất chưa làm.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Việc cắt giảm nhiều Bộ đã có phương án công bố trên truyền hình nhưng thực chất chưa làm".

Trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, kết quả thực tế của việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa được như mong đợi.

“Trên thực tế, cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành... Và dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn gần 3 lần so với các nước ASEAN-4”- ông Lộc nêu con số.

Ông Lộc đề nghị xóa bỏ tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp, cụ thể là cần có cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp của các sản phẩm hàng hóa.

Việc này nhằm tránh tình trạng chuyển độc quyền kiểm tra chuyên ngành từ “một cơ quan quản lý chuyên ngành” sang “một hoặc một số tổ chức chứng nhận sự phù hợp”.

Liên quan đến vấn đề đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Lộc cho rằng, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước mốc 31/10/2018 là một thách thức rất lớn. Chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, chờ thủ tục thông qua rất mất thời gian.

Trong khi đó, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.

“Các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ có thể rất tích cực, nôn nóng nhưng cấp vụ, đặc biệt là cấp chuyên viên trực tiếp soạn thảo các văn bản đã không làm được đúng theo yêu cầu. Có vấn đề là các bộ phận quản lý giấy phép không muốn thực hiện những cải cách để tước bỏ quyền lợi của mình”- ông Lộc nhận xét.

Ông Lộc đề nghị Bộ trưởng các bộ không giao cho các Vụ, Cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách việc cấp phép vì nơi đó không có động lực cải cách, sẽ tìm cách giữ lại quyền lợi của mình.

P.Thảo