4 Bộ cùng… chậm, nhiệm vụ Thủ tướng giao kéo dài quá nửa năm
(Dân trí) - Từ tháng 1/2016, Thủ tướng đã giao việc phân bổ vốn cho các dự án từ 14.000 tỷ đồng cải tạo Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên còn dư. Việc đọng ở Bộ KH-ĐT hơn 3 tháng, ở Bộ GTVT gần 4 tháng, Bộ Tài chính xử lý chậm 6 ngày và Văn phòng Chính phủ chậm 13 ngày…
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 19/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc giữa Tổ công tác với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Tài chính, Giao thông vận tải (GTVT) và VPCP.
Cuộc làm việc nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện chậm Nghị quyết của Chính phủ về việc đề xuất trình Thủ tướng phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Từ ngày 7/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp sau khi rà soát, phân bổ, ngoài số vốn dư nêu trên, nếu vẫn còn dư, Bộ KHĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT dự kiến phương án sử dụng để đầu tư các dự án liên quan đến xây dựng 2 tuyến đường này, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời, giao Bộ GTVT chủ trì rà soát quy mô thiết kế, hiệu quả và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án này theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ nói trên bị kéo dài. Tới ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ mới có các quyết định giao vốn dư cho các dự án.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cuộc làm việc được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhằm làm rõ nguyên nhân chậm trễ, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, gặp những vướng mắc gì, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và công khai với dư luận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm tới việc thúc đẩy đầu tư công theo đúng kế hoạch vì liên quan tới tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện nay nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, các dự án trên có nguồn vốn lại phân bổ chậm trễ.
Sau khi nghe giải trình, báo cáo của các Bộ, ý kiến các thành viên Tổ công tác, ý kiến các vụ liên quan của VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trước hết các Bộ và VPCP phải nhận thiếu sót với Chính phủ trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về nguyên nhân, có lý do khách quan nhưng cũng có một vấn đề là quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp những khó khăn, vướng mắc, các Bộ không thống nhất ý kiến, nhưng Bộ KHĐT với vai trò là cơ quan chủ trì đã không chủ động mời các cơ quan đến làm việc, thay vào đó lại xử lý công việc bằng đường văn bản.
“Mà văn bản thì khó hiểu nhau lắm. Nếu Bộ KHĐT chủ động mời các Bộ cùng ngồi lại với nhau thì thời gian không lâu đến thế”, Tổ trưởng Tổ công tác nhìn nhận. Hơn nữa, trong trường hợp các Bộ chậm trễ phối hợp, cơ quan chủ trì phải có trách nhiệm chủ động đốc thúc.
Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, chính Văn phòng Chính phủ cũng phải nhận lỗi về việc chậm thực hiện phần việc của mình.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng chỉ ra, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết giao nhiệm vụ cho tới khi Thủ tướng có quyết định giao vốn là 9 tháng 7 ngày. Trong đó, thời gian xử lý công việc của Bộ KHĐT là hơn 3 tháng, thời gian xử lý công việc của Bộ GTVT là gần 4 tháng. Theo quy chế làm việc của Chính phủ, Bộ Tài chính chậm 6 ngày trong xử lý công việc, VPCP chậm 13 ngày.
Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh VPCP, Bộ Tài chính phải nhận lỗi về vấn đề trên, đồng thời các Bộ phải rút kinh nghiệm, khi trình hồ sơ phải gửi kèm luôn ý kiến các cơ quan liên quan, tránh tình trạng VPCP lại thêm một lần đi lấy ý kiến các cơ quan.
Tổ công tác sẽ báo cáo nghiêm túc, khách quan, đầy đủ với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về kết quả buổi làm việc, trách nhiệm của các cơ quan, từ đó rút kinh nghiệm cho các dự án đầu tư khác, nhất quán thực hiện mục tiêu Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
P.T