Kỉ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất:
“3 khen, 4 chê, 5 dặn dò” của Bác Hồ với lực lượng vũ trang Quân khu 4
(Dân trí) - Trong lần về thăm quê lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian thăm cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4. 60 năm trôi qua, "3 điểm khen, 4 điều chê, 5 điều dặn dò” của Bác vẫn nguyên giá trị và tính thời sự đối với sự phát triển và trưởng thành của lực lượng vũ trang 6 tỉnh Bắc Trung bộ.
Chiều ngày 15/6/1957, cán bộ chiến sỹ cơ quan Quân khu bộ (Liên khu 4, nay là Quân khu 4) vui mừng nhận được thông báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm.
Khu vực mà 60 năm trước, Bác Hồ gặp và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ bây giờ là Bảo tàng quân khu 4 (đóng tại phường Trung Đô, Tp Vinh). Ngay trước bảo tàng là bức tượng đài Bác Hồ cùng quần thể 6 bức phù điêu tạc bằng đá, tái hiện những chiến công của lực lượng vũ trang 6 tỉnh Bắc Miền Trung.
“Năm 2002, tượng đài Bác Hồ được xây dựng. Năm 2013, cụm di tích tượng đài Bác Hồ với lực lượng vũ trang Quân khu 4 được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích cấp tỉnh gắn với sự kiện hai lần Bác Hồ thăm quê. Đây là một di sản văn hóa (di tích và bảo tàng) ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, thăm lực lượng vũ trang Quân khu 4 lần thứ 2”, Đại tá Nguyễn Công Thành – Giám đốc bảo tàng Quân khu 4 cho biết..
5h chiều ngày 15/6/1957, tại cơ quan Quân khu bộ, Bác đã có cuộc gặp gỡ thân mật với các bộ, chiến sỹ đại biểu của một số đơn vị, cơ quan. Cuộc nói chuyện thân tình giữa người đứng đầu Nhà nước với lực lượng vũ trang Quân khu 4 kéo dài 1 tiếng 30 phút.
“Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ gửi đến cán bộ chiến sỹ nam nữ lời chào thân ái. Bác góp 1 số ý kiến với các cô, các chú trong công tác. Trước hết, Bác nói đến thành tích và ưu điểm của các cô, các chú: 1. Các cô, các chú đã cố gắng bảo vệ mặt biển, biên giới của Tổ quốc, cùng nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự, đó là một thành tích đáng khen; 2. Các cô các chú đã cố gắng học tập chính trị, quân sự; 3. Các cô, các chú đã giúp nhân dân sửa sai, sống đói, chống bão, chống lụt, chống hạn. Đó là 3 ưu điểm, 3 thành tích đáng khen.
Bây giờ Bác nói đến khuyết điểm: 1. Tinh thần cảnh giác chưa đầy đủ; 2. Có một số cán bộ, chiến sỹ có óc công thần, cho ta đây là thành tích lâu năm, cho ta là trời, sa xuống cái hố cá nhân chủ nghĩa, suy bì đãi ngộ, quên rằng mọi cán bộ, mọi chiến sỹ Quân đội nhân dân phải hết lòng phục vụ, không nên một nửa thì phục vụ, một nửa thì so bì ghen tỵ;
3. Ý thức lao động chưa đầy đủ, phải biết rằng lao động là vẻ vang. Lao động trí óc là vẻ vang, lao động chân tay càng vẻ vang. Không có nông dân làm ruộng thì ta không có cơm ăn. Vậy nông dân là gì? Nông dân làm lao động chân tay. Không có công nhân dệt vải thì ta không có áo mặc. Vì vậy lao động chân tay là rất vẻ vang. Lao động gì có ích cho xã hội, cho nhân dân đều là vẻ vang. Trong các cô, các chú có một số làm lao động chân tay như làm doanh trại cho là không vẻ vang, thế là không đúng.
4. Phải biết chế độ ta, Nhà nước ta, Quân đội ta phải có kỷ luật nghiêm minh, tổ chức chặt chẽ, có một số các cô, các chú chưa có ý thức kỷ luật và tổ chức chưa đầy đủ như được đi phép 3 ngày thì kéo dài đến 4 ngày, đó là những khuyết điểm.
Bây giờ Bác nói nhiệm vụ trước mắt: 1. Phải nâng cao cảnh giác. Nước ta còn tạm thời chia làm 2 miền. Bọn Mỹ - Diệm không muốn ta thành công, chúng muốn phá hoại ta, chúng tìm trăm phương nghìn kế để phá hoại cho nên ta phải cảnh giác.
2. Làm cho tốt việc học tập và chỉnh huấn chính trị.
4. phải cố gắng học tập kỹ thuật quân sự và nghiệp vụ. Ngày ngày phải cố gắng học, nếu không thì thoái bộ.
5. Phải đoàn kết. Quân đội ta đã đoàn kết phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết nội bộ, toàn quân đoàn kết. Các chiến sĩ miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết chặt chẽ, không chia Nam, Bắc, cán bộ và chiến sỹ đoàn kết, quân và dân phải đoàn kết.
Trong thời đầu cách mạng, quân địch mạnh, ta thì yếu, nhưng ta đoàn kết cho nên ta thành công. Mới đầu kháng chiến ta yếu, nhưng kháng chiến thắng lợi cũng vì ta đoàn kết. Phải đoàn kết thật chặt chẽ.
Hôm nay nói chuyện với các cô, các chú, Bác có 3 điểm khen ngợi, 4 điều phê bình, 5 điều dặn dò. Những điều khen ngợi thì cố gắng phát triển, những điều phê bình thì cố gắng sữa chữa, những điều dặn dò thì cố gắng làm cho đúng. Bác mong các cô, các chú ngày càng tiến bộ…”.
Sáng ngày 16/6, khi về thăm quê hương Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm, động viên cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324. Chiều cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Nghệ An vào Đồng Hới (Quảng Bình). Tại đây, Bác ngủ lại với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325 một đêm trước khi đơn vị vào Miền Nam chiến đấu.
Về những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng vũ trang Quân khu 4 trong lần Người về thăm quê lần thứ nhất, Đại tá Nguyễn Công Thành nói: “3 điểm khen, 4 điều phê bình, 5 điều dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức sâu sắc, không chỉ là lúc bấy giờ mà đến bây giờ vẫn nguyên tính thời sự. Có thể nói, học tập tấm gương, học tập lời dạy của Bác, lực lượng vũ trang Quân khu 4 suốt những năm tháng qua đã phát huy được truyền thống vẻ vang và cống hiến to lớn trong các lĩnh vực công tác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chính quê hương của Người”.
Tại Khu trưng bày của bảo tàng, những hình ảnh, kỉ vật, hiện vật – tình cảm của Bác dành cho lực lượng vũ trang Quân khu 4 cũng như tình cảm của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4 đối với Bác Hồ được dành một nơi trang trọng nhất, trong đó có lịch trình Bác Hồ về thăm quê.
“Đây là bút tích của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, được gia đình Đại tướng Chu Huy Mân giữ gìn và bảo quản. Đồng chí Chu Huy Mân cũng là người 2 lần trực tiếp được đón Bác Hồ về thăm Quân khu 4. Nhìn vào lịch trình dày đặc này, chúng ta có thể hiểu trong thời gian ngắn, Bác đã đi từ Thanh Hóa vào Quảng Bình, dành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4 cũng như tình cảm đối với quê hương Nghệ An, quê hương Làng Sen”, Đại tá Thành cho biết thêm.
Hoàng Lam