Yêu thương sẽ không dừng lại khi hành trình về quê tránh dịch kết thúc
(Dân trí) - "Dân ta ở đâu cũng tốt lắm. Chỉ cần thấy người đi xe máy từ miền Nam ra là cho bánh, cho sữa, cho xăng", Hà Văn Dũng đã thốt lên với tôi như thế...
Dũng là một trong hàng vạn người có mặt trong làn sóng hồi hương lần thứ 2. Từ đầu tháng 10, làn sóng hồi hương tránh dịch bắt đầu, khi các tỉnh, thành phía Nam "nới" dần các biện pháp chống dịch. Về quê, đó là ước muốn của hàng triệu người dân lao động bị mắc kẹt 3-4 tháng trời trong dịch Covid-19.
Về quê, trở thành nhu cầu tất yếu của những lao động, dù biết rằng, thời điểm này trên hành trình hồi hương có không ít hiểm nguy chực chờ và cả những khó khăn, thiếu thốn khi đặt chân tới quê nhà. Về quê - về với bình yên, sau những ngày phập phồng nỗi lo...
Tôi không trách họ và tin nhiều người khác cũng như tôi không giận họ bởi sự lựa chọn có phần liều lĩnh này, chỉ thấy thương vô cùng những phận đời phiêu bạt mưu sinh lại gặp thời điểm dịch dã hoành hành. Tôi cũng không trách các địa phương vì sao chưa tổ chức đón người dân của mình về bởi nơi quê nhà, họ cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn về cả sức người lẫn sức của sau nhiều tháng chống chọi với đại dịch.
Và cũng bởi tôi luôn có niềm tin rằng, những dòng người lầm lũi trở về trong mưa bão mịt mùng, với những đồng bạc cuối cùng ấy sẽ không cô đơn trên dặm dài Nam - Bắc qua cả nghìn cây số.
Tôi gặp nhiều người, sau hành trình dài gần 1.500 cây số đã có mặt khu vực cầu Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An. Họ là những người dân các tỉnh phía Bắc, có người ở tận mãi sát biên giới, phải đi hơn 500 km nữa mới về đến nhà.
Họ không kể về những ngày quắt quay chống dịch, không kể về những hiểm nguy, gian khó trên đường. Mà họ chỉ nói với tôi nhiều về những ân tình đã được đón nhận trên chặng đường hồi hương, về những bát cháo nóng hổi giữa đêm khuya, là chai xăng được tiếp kịp thời khi xe đã cạn nhiên liệu, là chiếc xe máy còn tốt được bán với giá thanh lý để thay cái xe đã quá cũ nát kịp tiếp tục hành trình. Thậm chí, có người đã vượt qua cả nghìn cây số mà mới chỉ tiêu hết nửa số tiền ít ỏi mang theo, bởi trên hành trình họ qua luôn có sự yêu thương, san sẻ...
Trong khi, những nơi dòng người hồi hương đi qua cũng đã từng phải chống chọi với dịch Covid-19 và người dân ở đó cũng đang cố vực mình dậy với cuộc sống "bình thường mới". Nhưng "nghĩa đồng bào" đã kéo những con người vốn xa lạ xích lại gần nhau hơn, không cho phép họ bỏ rơi nhau!.
"Dân ta ở đâu cũng tốt", anh công nhân Hà Văn Dũng đã "đúc kết" như thế khi đón nhận những ân tình của người dân nơi gia đình mình đã đi qua.
Cả cộng đồng xã hội, các tổ chức thiện nguyện và chính quyền các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 1 đã cùng nhau lo cho người dân hồi hương một cách chu đáo và an toàn nhất có thể.
Và nhờ vậy, chặng đường về quê đã được rút ngắn lại, hành trình trở về của hàng vạn người lao động đã bớt gian nan và hiểm nguy hơn.
Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện hỏa tốc gửi các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Công điện nêu rõ, sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở TP HCM, Bình Dương... có nhu cầu di chuyển về quê. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên, nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân phải tự phát về quê sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.
Hiện nay, một số địa phương như Quảng Nam, Hà Tĩnh, Phú Thọ… đã lên kế hoạch đón người về từ vùng dịch. Tại Ninh Bình, UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để đón người dân về quê an toàn, đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch. Các đối tượng cụ thể được ưu tiên gồm: người cao tuổi, phụ nữ có thai, gia đình có con nhỏ, người bị mắc bệnh lý nền, người lao động bị mất việc làm, gặp khó khăn chỗ ở, học sinh, sinh viên bị kẹt lại,. Tại Quảng Ninh, người dân có nhu cầu trở về tỉnh từ vùng dịch sẽ được miễn toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc, kinh phí tổ chức cách ly tập trung, tiêm ngay vaccine...
Về đến quê nhà, nguy hiểm đã lùi lại phía sau nhưng nỗi lo ổn định đời sống thì vẫn còn đó. Lúc này, họ - những người vừa trở về rất cần những cánh tay đưa ra nắm lấy để vực dậy cuộc sống từ con số không.
Giúp cả nghìn người dân trở về có kế sinh nhai, ổn định đời sống là bài toán không hề dễ của các địa phương trong thời điểm này. Bởi vậy, ngay từ lúc này, cần phải tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, cả ngắn hạn cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, phải kịp thời tư vấn, định hướng để lao động sẵn sàng quay trở lại nhà máy làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tôi cũng mong và tin rằng, đồng bào tôi sẽ vẫn sát cánh, san sẻ và đùm bọc lẫn nhau trong cuộc chiến mới. Hành trình trở về đã kết thúc, nhưng yêu thương, sẻ chia sẽ không bao giờ dừng lại.