Ý thức ơi là ý thức!
(Dân trí) - Lãnh đạo Công an huyện An Dương (TP Hải Phòng) mới đây thông tin trên Dân Trí, xác nhận đơn vị này tạm giữ 34 thanh niên về hành vi vượt chốt kiểm soát dịch Covid-19 từ Hải Dương sang Hải Phòng.
Tốp thanh niên này được cho biết là đã sử dụng mô tô di chuyển từ tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng, khi đến khu vực Ga Dụ Nghĩa, đường 5A, huyện An Dương đã cố tình không chấp hành yêu cầu dừng để kiểm tra, khai báo y tế của lực lượng liên ngành đang làm nhiệm vụ, mà ngược lại có hành vi chống đối.
Trong bức ảnh ghi nhận của cơ quan chức năng, các "đối tượng chống đối" này còn đang rất trẻ, đều là những "nam thanh, nữ tú". Mới đầu năm mới đã bị tạm giữ, lập biên bản vi phạm, bêu "gương xấu" lên các phương tiện truyền thông… quả thực là điều không hay ho gì với bản thân các em và với gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là bài học không chỉ với 34 bạn trẻ này mà với nhiều người khác.
Tuổi trẻ có lúc bốc đồng, thiếu suy nghĩ nên không tránh vấp phải sai lầm, va vấp. Song, các em cũng cần phải hiểu, việc bị xử phạt hành chính hay bị lực lượng chức năng tạm giữ không phải sự "trả giá" gì lớn lao.
Trả giá thực sự đó là những rủi ro mà các em có thể mang lại cho chính bản thân, cho gia đình, người thân và cộng đồng khi không thực hiện khai báo y tế khi di chuyển vào - ra vùng dịch.
Đáng buồn thay, những hành vi vi phạm như trên lại chẳng riêng gì ở những đứa "trẻ trâu" ăn chưa no, lo chưa tới mà còn xuất hiện ở cả những người lớn, những người tự cho mình cái quyền "ăn trên ngồi trốc".
Trước đó, ngày 7/2, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 5 phút ghi lại hình ảnh người phụ nữ trong khu chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) la lối, lớn tiếng với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại đây.
Điều đáng nói là khu vực này mới ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 là BN 1979 và BN 1980. Thời điểm đó, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đang phải căng mình phong tỏa, truy vết F1, F2.
"Anh biết tên tôi là ai, trước tiên anh phải hỏi tên tôi. Bây giờ anh biết tôi tên gì không? Tôi bắt buộc tôi phải đi mua đồ, anh phải mở cửa cho tôi đi mua đồ. Anh làm con đường này sao, anh chủ con đường này sao? Tất cả người dân Việt Nam không biết tôi là ai hết đúng không? Anh phải trả lời cho tôi…" - Người phụ nữ kia nói với các cán bộ công an và y tế đang làm nhiệm vụ, nhất quyết không chịu hợp tác, không đeo khẩu trang. Đỉnh điểm, bà này nổ máy, rồ ga lao xe vào khu vực rào chắn.
Cho đến bây giờ, tôi và nhiều người đều không biết tên của người phụ nữ này, nhưng hành vi chống đối và vô trách nhiệm, coi thường luật pháp của bà thì đã nổi tiếng cả nước.
Cho đến nay đã hơn 1 năm trời dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, riêng Việt Nam xảy ra đợt bùng dịch lần thứ 3. Trong điều kiện dịch lây lan phức tạp, hơn 2.000 người nhiễm, 36 người tử vong trên cả nước, bao nhiêu lao động mất việc làm, doanh nghiệp kinh doanh trì trệ, khó khăn… còn chưa đong đếm được.
Ấy vậy mà vẫn có nhiều người vẫn giữ thái đội nhơn nhơn coi thường dịch. Thật không hiểu nổi!
Họ tiếc rẻ vài phút thành thật khai báo y tế, tiếc vài giây đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, tiếc vài giờ không được tụ tập bạn bè, tiếc cả vài tuần để cách ly đúng yêu cầu… Họ ích kỷ và vô tâm khi biết bao y bác sĩ, bao cán bộ chiến sĩ… nơi tuyến đầu chống dịch còn không hề có Tết, không phút nghỉ ngơi, không thể đón năm mới với gia đình.
Nhưng họ không hề biết, chính bản thân và gia đình họ có thể là những nạn nhân tiếp theo của Covid-19.
Dẫu rất giận, phẫn nộ với những hành vi vô trách nhiệm, chống đối ấy, tôi vẫn cầu cho họ được bình an, cầu mong sao đất nước một lần nữa chiến thắng đại dịch này.