Ý nghĩ miên man trong ngày thiêng liêng
(Dân trí) - Đất nước sẽ ra sao nếu để nạn tham nhũng hoành hành. Thầy trò và đồng bào vùng sâu, vùng xa đến bao giờ hết nghèo, hết đói…Trong một ngày thiêng liêng như hôm nay, không hiểu sao tôi cứ nghĩ những điều miên man như thế?
Chỉ ít ngày nữa, sau đợt nghỉ lễ 2/9, thầy trò cả nước lại háo hức bước vào năm học mới. Trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các đô thị lớn, không ít phụ huynh thở phào nhẹ nhõm vì đã “vượt chướng ngại vật” thành công ở cuộc “việt dã” chạy trường, chạy lớp thì ngược lại không ít nơi, nhiều thầy cô giáo vẫn trong tâm trạng hồi hộp chờ từng học trò đến lớp.
Bài “Ở nơi học trò thấy thầy cô là tán loạn chạy lên rừng… bỏ trốn” của Nhà báo Lệ Thu đăng trên Dân trí ghi lại lời kể của cô giáo Hà Thị Thao (Bạch Thông, Bắc Kạn):
"Các trò ở trên cao thấp thoáng thấy bóng thầy cô đến đầu bản để vận động tới lớp là lại chạy tán loạn lên rừng để trốn chứ không chịu gặp. Lúc ấy vừa bực, vừa thương mà cũng vừa buồn cười".
Chia sẻ với Dân trí, cô giáo Vàng Thị Hiền (Giáo viên trường tiểu học xã Mường Mít, huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu) cho biết:
“Có trường hợp gia đình thường xuyên bắt con nghỉ học để phụ bố mẹ việc nhà, trông em, thậm chí là chăn trâu. Những trường hợp đó thì thầy cô phải làm sao nói để phụ huynh hiểu ý nghĩa của việc học, rồi nói với phụ huynh, học sinh rằng các em có thể phụ giúp gia đình một số việc trong nhà phù hợp với độ tuổi của các em vào các buổi chiều sau tan trường”.
Thầy giáo Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết, năm nào vào dịp tựu trường các thầy cô phải tỏa đi các bản nơi có học sinh để vận động các em đến lớp.
"Do điều kiện trên này chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, thấy thầy cô giáo đến nhà hỏi thăm và vận động thì họ bảo cho cháu nghỉ ở nhà làm nương để kiếm bắp ngô chứ đi học thì xa quá, nhà lại nghèo không có tiền mua sách vở. Chúng tôi phải thuyết phục mãi họ mới đồng ý cho con đi học trở lại”. Thầy Bảo ngậm ngùi.
Tại Trường Tiểu học Mường Pồn (tỉnh Điện Biên), thầy giáo Vi Văn Tiến tâm sự:
"Do đặc thù tư duy của đồng bào nơi đây có nhiều gia đình sinh nhiều con, chúng tôi phải thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng tới tận nhà đón và đưa các em tới trường. Nếu chỉ vận động “hơi hơi” là các em không đi học đâu. Lắm lúc phải dùng mẹo để học trò tới trường đấy".
Đọc những dòng tâm sự trên, không thể không xót xa bởi cái nghèo, cái đói vẫn còn lẩn quất đâu đây. Đã 72 năm kể từ ngày nước nhà Độc lập, 42 năm non sông Thống nhất, 31 năm công cuộc Đổi mới thành công, đất nước đã có những bước phát triển to lớn.
Thế nhưng vẫn còn đó không ít những bản làng chưa thoát khỏi cái đói, cái nghèo mà một trong những nguyên là bởi còn hạn chế về trình độ dân trí. Mới thấy công cuộc khuyến học, khuyến tài đặc biệt là ở những làng bản xa xôi còn cần nhiều lắm mồ hôi, công sức.
Và càng xót xa, căm phẫn hơn khi ngay cùng thời điểm này, tại phiên tòa xét xử Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, Sơn đã khai chỉ riêng tiền “cảm ơn” đã lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm:
“Dịp lễ, Tết, PVN hay các doanh nghiệp đều chi, mức chi tùy theo quan hệ và chức trách to hay nhỏ, thậm chí từ chuyên viên đến lãnh đạo cao cấp. PVN mỗi năm phải chi, mỗi kỳ cũng phải 30-50 tỉ đồng. Theo quy định, PVN mỗi lần chỉ được chi 500.000 đồng/người nhưng thực tế PVN đã chi gấp 200 lần như thế”, Sơn khai.
Đất nước sẽ ra sao nếu để nạn tham nhũng hoành hành. Thầy trò và đồng bào vùng sâu, vùng xa đến bao giờ hết nghèo, hết đói…
Trong một ngày thiêng liêng như hôm nay, không hiểu sao tôi cứ nghĩ những điều miên man như thế?
Bùi Hoàng Tám