Xóa bỏ nghi ngờ, khuất tất trong hỗ trợ người dân - vấn đề muôn thuở!

Bích Diệp

(Dân trí) - Trong cuộc làm việc trực tuyến mới đây với TPHCM, sau khi nghe báo cáo từ cơ sở, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung truy vấn:

Xóa bỏ nghi ngờ, khuất tất trong hỗ trợ người dân - vấn đề muôn thuở! - 1

Khoảng 5,9 triệu người dân ở TPHCM đã nhận hỗ trợ đợt 3 (Ảnh Hải Long).

"Số người đóng bảo hiểm giảm lớn thế chính là số có quan hệ lao động nhưng sao thống kê về chính sách hỗ trợ người phải chấm dứt hợp đồng lao động do dịch chỉ ở mức 197 người, số lao động nghỉ việc vỏn vẹn… một người? Số tiền cho các doanh nghiệp vay trả lương người lao động cũng chỉ đạt 38 tỷ đồng?"

Ông Dung nói thẳng: "Tôi rất nghi ngờ con số này". Nhận xét của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có lẽ đã khiến Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM - ông Trần Ngọc Sơn lúng túng. Ông Sơn xin thêm thời gian để kiểm tra, giải trình với Bộ trưởng về những con số chênh lệch này.

Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung nêu thời hạn rõ ràng, đến đầu giờ của phiên làm việc buổi chiều, Sở Lao động TPHCM cần có câu trả lời cụ thể.

Lát cắt của một cuộc họp trong nội bộ ngành LĐTB&XH giữa Bộ trưởng và cấp Sở nhưng đã phần nào cho thấy tồn tại một số vấn đề nhất định khi đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Điều đáng lo ngại chính là việc các lãnh đạo cấp sở, cấp địa phương lại chưa nắm rõ tình hình thực tiễn và chưa sát sao trong công tác thực hiện.

Chỉ một vài câu hỏi, đi vào chi tiết một số con số có thể sẽ mang tính cảnh báo về sự "không ổn" len lỏi trong kẽ hở nào đó. Chính những kẽ hở này sẽ để lại hậu quả không nhỏ, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, người lao động, tới tính hiệu quả của chính sách.

Gần đây nhất, vào ngày 5/11, cũng tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Văn Lâm cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra công tác chi hỗ trợ người dân tại địa bàn quận Tân Bình. Buổi làm việc nằm trong đợt tổng kiểm tra công tác thực hiện các chính sách an sinh xã hội TPHCM triển khai nhằm giám sát, đốc thúc việc chi hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng.

Một chi tiết rất đáng chú ý trong buổi làm việc này là quá trình kiểm tra, xuất hiện tình trạng hàng loạt chữ ký giống nhau trong danh sách nhận hỗ trợ hoặc được đánh dấu (+) hoặc dấu (R).

Mặc dù đại diện một số phường đã giải thích tình trạng trên do người nhận hỗ trợ khi đó đang phải nhập viện, ở khu phong tỏa, đi sinh nở, cách ly... nên người nhà ký nhận thay. Tuy nhiên, ông Lâm không hài lòng, để nghị làm rõ bằng biên bản, kiên quyết thu hồi những trường hợp chi sai đối tượng, xử lý nghiêm minh những trường hợp có dấu hiệu trục lợi chính sách.

"Chữ ký từ trên xuống dưới chỉ có một chữ ký giống nhau phải lập hồ sơ coi chữ ký đó của ai. Không cấm việc ký thay khi có lý do chính đáng nhưng khi ký thay phải ghi rõ họ tên người ký thay là ai để kiểm tra lại coi có chính xác hay không. Không thể ghi một nùi như vậy" - ông Lâm yêu cầu.

Hai sự kiện nói trên được người viết dẫn ra trong bài viết này không nhằm mục đích để chúng ta đặt ra nghi ngờ về chính sách, cũng không nhằm cổ xúy cho việc gia tăng thủ tục, làm khó người được hỗ trợ.

Tuy nhiên, phàm là công tác liên quan đến tài chính, đến tiền ngân sách hỗ trợ cho dân bắt buộc phải chính xác, không được để xảy ra sai sót, thất thoát. Việc "tạo điều kiện thuận lợi" không đồng nghĩa với cách làm qua loa đại khái.

Bởi, thực tế cho thấy, ở công tác hỗ trợ người dân tại TPHCM có những trường hợp có nhà biệt thự, nhà lầu, gia đình cơ bản, có con là bác sĩ, có phòng cho thuê... nhưng vẫn đòi gói hỗ trợ.

Hay như tại quận Phú Nhuận, địa phương phải ngưng chi trả cho hơn 5.000 trường hợp đã được lập danh sách nhưng sau đó phát hiện vẫn đang hưởng lương hưu, đã nhận ở nơi khác... Nhiều người dân khi bị loại khỏi danh sách hỗ trợ cho rằng cán bộ làm sai nên khiếu nại.

Theo đó, cần đặt vấn đề về việc thông báo, phổ biến thông tin cho người dân thế nào để ai cũng nắm rõ quyền lợi của họ. Tránh trường hợp người nghèo không nắm được thông tin và không được hỗ trợ, tiền lại như "nước chảy chỗ trũng".

Chưa đề cập đến rủi ro tiêu cực trong công tác phân bổ ở cấp cơ sở, việc bỏ sót đối tượng bị ảnh hưởng thực sự, nghèo thực sự… cũng là có lỗi với dân và chưa làm đúng chủ trương của Nhà nước.

Thiết nghĩ, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm và tâm huyết của cấp lãnh đạo địa phương, họ phải là những người nghĩ cho dân, làm vì dân. Và đương nhiên, nếu làm tốt vai trò cầu nối, công sức của họ cũng cần được ghi nhận!