Xin tạ lỗi với những Anh hùng Liệt sĩ!

(Dân trí) - Xin tạ lỗi với những Anh hùng Liệt sĩ, xin tạ lỗi với những người mẹ, người chị… bởi chúng tôi, những người đang sống hôm nay chưa làm được tốt nhất những gì mà các chị, các anh mong đợi.

Xin tạ lỗi với những Anh hùng Liệt sĩ! - 1

Ngày này cách đây 44 năm, dân tộc Việt Nam vỡ òa trong niềm vui non sông liền một dải sau 20 năm chia cắt.

Niềm vui chung trong ngày thống nhất là minh chứng hùng hồn, không có bất cứ thế lực nào có thể chia cắt mảnh đất hình chữ S này.

Song, để có được ngày non sông đoàn tụ, dân tộc ta đã phải trả bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và máu. Chiến tranh thời nào và ở đâu cũng đem theo bất hạnh đến tột cùng, trong đó phải kể đến bi kịch của trẻ em và phụ nữ.

Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất mát người thân và không có hình ảnh nào chua xót nhưng cũng thiêng liêng bằng hình ảnh ngoài ngõ những người mẹ chờ con, trong bậu cửa đứa trẻ chờ cha và trên giường cưới người vợ trẻ đêm đêm trằn trọc chờ chồng.

Từ ngàn năm nay, nàng Vọng phu luôn là biểu tượng của lòng chung thủy và sự đợi chờ trong mỗi người dân nước Việt. Nàng chờ chồng ba năm để hóa đá nhưng nếu chỉ có vậy, đất nước này có vạn vạn những Vọng phu.

Có nơi nào như đất nước tôi, chỉ trong vòng 33 năm (1946 - 1979) đã trải qua 4 cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng.

Và đã có bao nhiêu thiếu nữ chỉ cầm một lời hẹn: “Chờ anh em nhé!” của chàng trai ngày mai lên đường ra trận để rồi có thể cả nửa thế kỉ sau vẫn đăm đắm đợi chờ trong mong manh hi vọng.

Chờ chồng, nàng Vọng phu còn có con để bế nhưng trên đất nước luôn trải dài trong những cuộc chiến tranh, nhiều phụ nữ không có con để bế.

Một lần chứng kiến cuộc đối thoại giữa hai người phụ nữ, tôi đã không cầm nước mắt. Người mẹ trẻ phàn nàn với người hàng xóm về nỗi vất vả nuôi con, về tã lót và sự quấy khóc.

Người phụ nữ vợ liệt sĩ đã nói một câu nghe đến lạnh người: “Thím còn có nước đái của con để mà giặt chứ tôi thì thèm mà chẳng được”..

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, những vết thương của chiến tranh đang dần dần được hàn gắn nhưng di họa của chiến tranh vẫn mãi còn.

Giờ đây, những người mẹ chờ con nơi đầu ngõ ngày nào nhiều người không còn nữa, nhiều người khác đã có cuộc sống mới, tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn không ít những người mẹ, người vợ còn khó khăn về mọi mặt, cả vật chất lẫn tinh thần.

Đã có nhiều, rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa mọc lên.

Đã có nhiều, rất nhiều chính sách ưu đãi được ban hành.

Đã có nhiều, rất nhiều những tấm lòng hảo tâm.

Đã có sự nỗ lực rất lớn của ngành Lao động, Thương binh & Xã hội và sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng…

Có thể nói, chưa bao giờ chính sách với Người có công được làm tốt như bây giờ.

Thế nhưng vẫn chưa đủ, thậm chí là quá ít so với những gì các mẹ, các chị đã hi sinh cho ngày non sông thống nhất hôm nay.  

Công cuộc Đổi mới dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng đất nước vẫn còn đó không ít hạn chế, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng và đạo đức xã hội đang làm xói mòn niềm tin của Nhân dân.

Xin tạ lỗi với những Anh hùng Liệt sĩ, xin tạ lỗi với những người mẹ, người chị… bởi chúng tôi, những người đang sống hôm nay chưa làm được tốt nhất những gì mà các chị, các anh mong đợi.

Đất nước này phải văn minh, thịnh vượng và đó chính là mệnh lệnh của Tổ quốc thiêng liêng trong ngày non sông thống nhất!

Bùi Hoàng Tám