Xin lỗi và cảm ơn chú Tuấn Ngọc!
(Dân trí) - “Cháu xin lỗi chú vì đã không thực hiện lời dặn của chú là đừng đưa chuyện này lên báo, cũng đừng kể với ai!”, tác giả đã bắt đầu bài viết này như vậy. Blog 26 xin giới thiệu một bài viết rất đặc biệt này trong câu chuyện ngày thứ 2 tuần này.
Bắt chước anh Bùi Rửa Bát gọi “chú” Nguyên Vũ, cháu xin gọi chú bằng chú nhưng là chú với tư cách một người gần bằng tuổi bố cháu. Mặc dù nếu "cả tin" theo những lời tự giới thiệu "ăn gian" của chú thì có lẽ cháu chỉ nên gọi chú bằng... anh.
(Xen kẽ giữa những bài hát, chú đã kể mình bắt đầu hát từ năm 4 tuổi, tới nay quãng được hơn... 40 năm rồi; hoặc chú hát Smoke gets in your eyes từ năm 12 tuổi, chắc cỡ... 30 năm rồi! Nhưng khán giả Hà Nội "làm toán giỏi" lắm - theo lời chú, nên họ chỉ cười thôi).
Trước hết cháu phải xin lỗi chú vì đã không thực hiện lời dặn của chú là đừng đưa chuyện này lên báo, cũng đừng kể với ai!
(Tập bốc phét theo chú tí thôi, thực ra không phải chú dặn riêng cháu mà là dặn tất cả khán giả có mặt trong khán phòng "Không gian âm nhạc" tối 29/5 vừa rồi).
Lúc đấy chương trình hết rồi, nhưng khán giả yêu mến quá vẫn ngồi lại và vỗ tay và hô tên những bài họ muốn nghe chú hát mà chú chưa hát. Chú bảo nhưng ban nhạc chưa tập, nhưng rồi cái khó ló cái khôn, chú đã nhờ được nhạc sĩ Duy Cường từ hàng ghế khán giả lên chơi piano cho chú hát.
Chú bảo cái này ngoài chương trình và chú mệt lắm rồi, nên trước khi hát đã có cái màn dặn dò kể trên (dặn tới 2 lần cho chắc).

Chú ạ, trong suốt chương trình chính, không hiểu sao cháu không bắt được mạch xúc cảm. Chú hát rất hay, ban nhạc chơi tốt, các bài hát đều là những tác phẩm "để đời" của các nhạc sĩ, hoặc ít ra cũng nổi tiếng. Nhưng thú thực, ngoài một vài lần cháu hơi "phê phê" với Mộng dưới hoa, Đường em đi và Riêng một góc trời, thì tâm trạng chung của cháu là chưa "đã".
Tất nhiên đấy chỉ là cảm nhận của riêng cháu. Nếu chỉ xét bề ngoài thì đúng là ở đoạn "thêm", tất cả khán giả đều tán thưởng và cổ vũ mạnh hơn thật, nhưng bên trong thì cháu không dám khẳng định mọi người đánh giá phần "chính" thế nào.
Chỉ biết là đối với cá nhân cháu, thì để thả hồn được vào một cuộc biểu diễn, cháu cần phải cảm nhận được tính nghệ sĩ và cảm xúc thực sự đến từ mỗi và tất cả các cá nhân tham gia vào cuộc biểu diễn đó. Tất nhiên không phải ai cũng cần thế, ví dụ một số người chỉ quan tâm tới nhân vật chính thôi, chẳng hạn họ thích nghe chú hát thì miễn là chú hát hay là thích, còn nhạc đệm thì chỉ để đệm, để làm nền cho chú hát, không cần bàn tới.
Tất nhiên, các nhạc công đệm cho chú đều là những người rất tài năng, được đào tạo bài bản, chơi tốt, và nhận được nhiều sự khen ngợi và cảm ơn từ chú. Cháu cũng cảm ơn và trân trọng họ. Có điều, cảm xúc là cái không bắt ép được chú ạ. Vì thế, khi được nghe chú hát một cách say mê, không cần tập tành ban nhạc, không rào trước đón sau, những Mắt biếc, Rồi mai tôi đưa em, Nỗi lòng người đi, và Mắt lệ cho người, trên nền piano da diết, điêu luyện mà mộc mạc, chân thành mà dào dạt tình cảm của nhạc sĩ bậc thầy Duy Cường, lúc đấy cháu mới thực sự được sống trong không gian âm nhạc, chú ạ.
Cháu hy vọng, sẽ ngày càng được nghe nhiều những chương trình giàu tính nghệ thuật, nơi các nhà tổ chức và các nghệ sĩ đều chú tâm đầu tư kỹ lưỡng tới mọi khâu, mọi khía cạnh.
Một lần nữa cảm ơn chú vì những cảm xúc thăng hoa.
Tuấn Anh