Xin đừng để phải xấu hổ trước những nông dân “Hai Lúa”
(Dân trí) - “Y phục xứng kỳ đức”, nếu khoác trên mình tấm áo mà mình không xứng với nó thì không chỉ làm xấu bản thân mà còn làm hoen ố chiếc áo. Đặc biệt là không để các chức danh cao quí này làm tấm bùa hộ mệnh cho việc chạy dự án với những công trình “xếp tủ”.
Có một thông tin rất mới trong bản dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý. Đó là đến năm 2019, ứng viên cho các chức danh này thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới, hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế.
Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.
Đây là việc làm cần thiết để “quốc tế hóa” chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các nhà khoa học Việt Nam bởi thực tế học hàm, học vị của ta chưa có uy tín cao đối với quốc tế, thậm chí nhiều loại bằng cấp vẫn ở dạng “ta về ta tắm ao ta”.
Nhớ lại trung tuần tháng 9/2015, Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn triển khai thực hiện việc phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và cả ngoài nhà trường (nếu họ có nhu cầu) và ngay lập tức, dư luận có những luồng ý kiến trái ngược nhau.
Có ý kiến cho rằng giáo sư là một danh hiệu cao quý, được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bình xét rất khắt khe nên không thể có chuyện một trường đại học công nhận mà được. Việc các trường “tự ý” phong tặng chức danh giáo sư sẽ làm “tầm thường hóa” danh dự cao quý này.
Một trong những người có ý kiến mạnh mẽ nhất về vấn đề này có thể kể đến ông Chu Hảo, một nhà khoa học có uy tín, từng được phong tặng danh hiệu giáo sư từ năm 1983, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. Từ nhiều năm nay, ông Chu Hảo đã hơn một lần phản đối “giáo sư suốt đời, giáo sư cả nước”.
Theo ông Hảo, giáo sư là một nhiệm vụ nên khi không còn giảng dạy nữa thì coi như nhiệm vụ đó đã hoàn thành và tất nhiên, không còn là giáo sư nữa. Những người thôi giảng dạy nhiều, thậm chí hàng chục năm nhưng vẫn được coi (và tự coi) mình là giáo sư là điều không hợp lý. Vả lại, mỗi giáo sư thuộc một chuyên ngành riêng, nằm trong phạm vi hẹp nên càng không thể là “giáo sư cả nước”.
Đây cũng là một ý kiến đáng lưu ý bởi giáo sư chỉ là một chức vụ giảng dạy chứ không phải là một học hàm hay một chức danh được bổ nhiệm và thường do các trường đại học tự chọn lựa quyết định.
Trở lại với qui định trên của Bộ GD&ĐT, nếu như chúng ta vẫn duy trì quan niệm như hiện nay thì không còn cách nào khác là phải có những qui định chặt chẽ và khắt khe trong việc phong tặng danh hiệu này.
Tuy nhiên, “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tài năng, nhân cách, những công trình khoa học và sự cống hiến, đặc biệt là đối với sự nghiệp phát hiện, bồi dưỡng thế hệ trẻ sẽ làm nên tên tuổi và lưu danh tên tuổi.
Thế nhưng “Y phục xứng kỳ đức”, nếu khoác trên mình tấm áo mà mình không xứng với nó thì không chỉ làm xấu bản thân mà còn làm hoen ố chiếc áo. Đặc biệt là không để các chức danh cao quí này làm tấm bùa hộ mệnh cho việc chạy dự án với những công trình “xếp tủ”.
“Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/1 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”.
Xin đừng để phải xấu hổ trước những nông dân “Hai Lúa”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám