Xin đừng “bội tín” với dân!
(Dân trí) - 138 lần bị thanh tra, kiểm tra - đây là con số khiến không ít người phải sửng sốt, kinh ngạc về tần suất “ghé”, “viếng” của cơ quan thanh tra đối với một doanh nghiệp tại TPHCM (Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Phi Long).
Theo như phản ánh tại bài viết “Doanh nghiệp kêu trời vì bị thanh tra 138 lần, uất nghẹn kéo dài” của tác giả Đại Việt đăng trên Dân trí ngày 13/6/2019, Thanh tra TPHCM đã làm việc với ông Lê Văn Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty này để làm rõ tình trạng nói trên.
Thanh tra thành phố yêu cầu đại diện Công ty Phi Long cung cấp, giải thích các thông tin, tài liệu liên quan đến 138 cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Và như vậy, có thể coi đây là cuộc “kiểm tra” thứ 139 đối với doanh nghiệp này (?!).
Trong đơn gửi lãnh đạo UBND TPHCM và Thanh tra thành phố, ông Lê Văn Anh Tuấn nêu rõ, các dự án của doanh nghiệp này tại quận 2, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh liên tục bị thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể, ông Trần Hải Phong, Chủ tịch UBND phường Bình An (quận 2) đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công ty 26 lần, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Nam TPHCM thanh kiểm tra 44 lần, UBND xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) thanh, kiểm tra 28 lần, Văn phòng đăng ký đất đai quận 2 cho thanh kiểm tra 15 lần, UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) kiểm tra công ty 13 lần…
Đáng nói là, mặc dù bị thanh kiểm tra “triền miên” nhưng theo đại diện Công ty Phi Long, những khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp đều không được giải quyết. Cũng chính bởi điều này mà sẽ không ít câu hỏi được đặt ra và cần được giải đáp thoả đáng cho công chúng được rõ: Vì sao lại phải cần đến quá nhiều cuộc thanh, kiểm tra như vậy? Kết luận của các cuộc thanh tra này như thế nào, doanh nghiệp sai phạm/vi phạm ra sao và (nếu có), vì sao chưa “thông” được ách tắc?...
Bởi nếu không giải thích rõ ràng về nội dung, mục đích, hiệu quả của những đợt thanh, kiểm tra nói trên thì sẽ khó tránh khỏi những suy diễn từ công chúng, đặc biệt là sau vụ việc “động trời” ở Vĩnh Phúc: đoàn của Thanh tra Bộ Xây dựng bị lập biên bản vì có hành vi đòi chung chi lên đến rất nhiều tiền. Trước đó, những trường hợp phong bì “thank you” cho cán bộ thanh tra, kiểm tra để “được việc” cũng không phải là hiếm.
Hơn nữa, con số 138 lần một doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra có thể nói là “phản cảm” khi đặt trong bối cảnh Chính phủ đang nêu quyết tâm “hỗ trợ” doanh nghiệp, khẳng định tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Từ Nghị quyết 35 của Chính phủ (năm 2016) đến Chỉ thị số 20 của Thủ tướng (năm 2017) và Chỉ thị số 07 của Thủ tướng (năm 2018) đều nhấn mạnh không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.
Một doanh nhân đã trải lòng trên báo chí rằng, không phải ông không biết Chỉ thị 20 nhưng có lẽ, các cơ quan sở, ban, ngành đều đang nghĩ rằng họ đều có quyền thanh/kiểm tra doanh nghiệp 1 năm 1 lần.
“Tổng cộng có gần 20 bộ phận vào cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp. Tôi hỏi vì sao thì họ nói không tin kết quả kiểm tra của các đơn vị khác. Có những đoàn khi vào nói thẳng luôn các vấn đề này nọ. Đến nỗi sau này khi thấy số điện thoại của các lực lượng đó, tôi chỉ cần hỏi một câu “Bao nhiêu?”” (PLTPHCM - 24/5/2018). Nghe mới chua chát làm sao!!
Vụ việc thanh tra “vòi tiền” vừa qua, theo như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là “vi phạm cá nhân”. Và có thể, cũng sẽ có nhiều vụ việc tương tự tại những đoàn thanh tra, kiểm tra khác. Có câu “con sâu làm rầu nồi canh”, việc phát hiện sâu và trừ bỏ sâu, cũng chính là việc cần làm để trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin vào công tác thanh tra, kiểm tra.
Dân trông chờ vào công tác thanh, kiểm tra để hạn chế những rủi ro, tiêu cực trong xã hội. Nên việc lợi dụng thanh tra để “làm bậy”, “làm khó” doanh nghiệp cũng chẳng khác gì một sự phản bội, “bội tín” với dân!
Bích Diệp