“Xã hội sẽ ra sao nếu cái xấu, cái ác không bị lên án?”
(Dân trí) - Đọc tâm sự của GS Nguyễn Thanh Liêm, chợt nhớ câu nói bất hủ của Hoàng đế Napoleon: "Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt". Vâng, xã hội sẽ ra sao nếu cái xấu, cái ác không bị lên án?
Chuyện “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ở ta bây giờ diễn ra như cơm bữa. Người ta có thể táng nhau hoặc bị táng vì bất cứ lý do gì, có khi chỉ một cái “nhìn đểu”.
Nó cũng xuất hiện mọi lúc, mọi nơi từ chốn học đường mấy cô cậu học trò “Nhất quỉ, nhì ma…” đánh hội đồng một người bạn trong tiếng reo hò, cổ vũ hoặc dửng dưng của đám bạn bè rồi quay clip tung lên mạng cho đến chốn công sở uy nghiêm.
Thậm chí, họ dùng cả vũ khí để trừ khử lẫn nhau. Cũng đã có cả thầy thuốc bị người nhà bệnh nhân đâm chết ngay khi đang chữa trị cho người nhà họ.
Thế nhưng nhìn lại vụ việc bác sĩ bị hành hung, bị làm nhục bắt quỳ xin lỗi ở Bệnh viện Thể thao vừa qua thì không thể không thốt lên hai từ: Phẫn nộ!
Phẫn nộ bởi sự hành hung ở đây không chỉ là thể xác mà là danh dự và nhân phẩm. Phẫn nộ còn bởi sự chua xót đến nghẹn ngào cho một nghề cao quý: Thầy thuốc!
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, một nhà ngoại khoa nhi hàng đầu có uy tín quốc tế, từng nhiều năm làm Giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương đã bày tỏ những tâm sự chua chát khi ông viết:
“Vụ bác sỹ Bệnh viện Thể thao bị hành hung, bị làm nhục đang nhận được nhiều ý kiến . Các ý kiến của cán bộ y tế và phần lớn công luận bức xúc, lên án hành động côn đồ này. Tuy nhiên, cũng có số ít ý kiến trái chiều.
Tôi và nhiều bạn bè thường khuyên con cái khi các cháu muốn theo nghiệp y rằng nếu muốn nhàn nhã và làm giàu thì đừng theo nghề này. Lý do, điểm vào trường y năm nào cũng cao nhất vì vậy cũng có thể nói các trường y bao giờ cũng hội tụ những sinh viên ưu tú nhất. Trường y học dài nhất: 6 năm đại học và phải ít nhất 5 năm học tiếp tục cho các ngành nội khoa và 10 năm cho các ngành ngoại khoa mới có thể hành nghề độc lập được.
Thứ nữa, ngành y chịu nhiều áp lực và căng thẳng nhất. Là người đã trong nghề hơn 30 năm nhưng tôi vẫn thấy một không khí nặng nề, u ám khi đến thăm người quen nằm trong các khoa hồi sức, nơi toàn những người bệnh đang thở máy, gần đất xa trời, không có âm thanh gì khác ngoài tiếng bíp bíp đều đều của các máy theo dõi sự sống, không có gì mùi gì khác ngoài mùi bệnh viện.
Thật cảm phục các đồng nghiệp đã dành cả đời mình làm việc trong những môi trường như vậy nhưng lương của cán bộ y tế thuộc hàng thấp. Một bác sỹ 3 năm học trung học, 7 năm học bác sỹ ở nước ngoài về nước lương khởi điểm khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Một điều dưỡng viên ra trường lương hơn 1 triệu, trong khi nếu đi làm công nhân may lương 6-7 triệu đồng/tháng.
Nghề gì cũng có thể sai sót nhưng trong nghề y, các đối tượng phục vụ không bao giờ chấp nhận sai lầm của thầy thuốc. Chẩn đoán đúng, kịp thời, điều trị đúng, hiệu quả là yêu cầu đúng nhưng là đòi hỏi quá cao vì ngay cả ở các nước tiên tiến Âu, Mỹ không phải bao giờ cũng có được như vậy. Một người cháu tôi ở Mỹ, bác sỹ chẩn đoán thoát vị bẹn, gây mê, mổ xong bác sỹ bảo không phải thoát vị bẹn, chúng tôi chỉ… thăm dò!
Chúng ta thấy gì qua các vụ hành hung cán bộ y tế gần đây trong khi truyền thống của dân tộc ta, nghề y được coi là nghề cao quý được xã hội tôn trọng. Không chỉ ở ta mà trên thế giới cũng vậy.
Còn nhớ năm 1985, khi theo học ở Thụy Điển, một trong các nước được coi là văn minh nhất thế giới, tôi rất ngạc nhiên khi ăn trưa tôi được ngồi ăn ở tầng hai cùng các bác sỹ còn tất cả các cán bộ khác ngồi ăn ở tầng một.
Vì vậy hiện tượng bác sỹ bị đánh, bị làm nhục là vấn đề rất đáng lo ngại, đáng lo ngại hơn là hiện tượng đó chưa bị lên án mạnh mẽ và thậm chí còn được một số người ủng hộ.
Bác sỹ bị hành hung, chị lao công bị hành hung… Con người đã hành xử với nhau không dựa trên pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật không được coi trọng. Xã hội sẽ ra sao nếu cái xấu, cái ác không bị lên án? Hôm nay là bác sỹ, ngày mai là người khác và ngày kia có thể là chính bạn”.
Đọc tâm sự của GS Nguyễn Thanh Liêm, chợt nhớ câu nói bất hủ của Hoàng đế Napoleon: "Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt".
Vâng, xã hội sẽ ra sao nếu cái xấu, cái ác không bị lên án?
Bùi Hoàng Tám