Vụ việc rất cần thông tin, nhưng để “trục lợi” là vô nhân tính!

(Dân trí) - Trong khi cả cộng đồng đang dõi theo từng thông tin về vụ việc cháu bé lớp 1 trường Gateway tử vong bất thường trên xe thì đồng thời trên mạng xã hội cũng xuất hiện những đồn đoán “hư hư thực thực” khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Vụ việc rất cần thông tin, nhưng để “trục lợi” là vô nhân tính! - 1

Diễn biến mới nhất, ngay trong chiều 19/8 có luồng tin trên mạng xã hội cho hay Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam tài xế Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, ở Cầu Giấy, Hà Nội) và thêm một thông tin cũng được lan truyền với tốc độ “chóng mặt” rằng tài xế này đã tử vong.

Tuy nhiên, như Dân trí đã thông tin chính thức ngay đầu giờ sáng ngày 20/8, Trung tá Trần Văn Hoá - Phó Trưởng Công an quân Cầu Giấy khẳng định, đó là những tin đồn thất thiệt.

Sự khẳng định của ông Trần Văn Hoá cũng gián tiếp “giải oan” cho tài xế Doãn Quý Phiến tại thời điểm hiện tại khi ông này đã bị ai đó “kết tội” trong vụ án gây chấn động vừa qua.

Ông Phiến - người điều khiển chiếc xe ô tô 16 chỗ trong ngày định mệnh 6/8/2019 - là một mắt xích quan trọng của vụ án dẫn đến cái chết của cháu L.H.L., song người đàn ông đó có tội hay không, cần phải chờ xác minh của cơ quan điều tra, kết luận của toà án.

Dẫu có nôn nóng đến đâu, có bức xúc với sự việc đến đâu đi chăng nữa, thì làm sao chỉ với những dữ liệu chưa đầy đủ, bằng những suy đoán cá nhân mà chúng ta có quyền vội vàng kết luận khác? Không ai trong chúng ta có quyền đó!

Trên góc độ luật pháp, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) lưu ý quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Theo đó, quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 288: “người nào thực hiện hành vi gây ra hậu quả đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt có thể đến 3 năm tù”.

Ngoài ra, Điều 8 Luật An ninh mạng cũng quy định, việc cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Cho nên, việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội không phải là “vô thưởng, vô phạt” mà gắn liền với chính trách nhiệm và danh dự của bản thân trước pháp luật và trước công luận.

Chưa kể, trên góc độ đạo đức, trên phương diện con người, cái chết tức tưởi của cháu L.H.L. là nỗi đau đớn vô cùng của gia đình, người thân cháu, là nỗi xót xa, uất ức của xã hội, đặc biệt là với các bậc phụ huynh.

Chính vì vậy, thông tin sai lệch về vụ việc, chẳng những ảnh hưởng đến công tác điều tra, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội mà đây còn là một hành vi vô nhân đạo, vô nhân tính nếu chỉ vì mục đích “bám fame” và “câu view”, “câu like”.

Cũng phải đặt câu hỏi rằng: Vì sao công chúng lại “cả tin” và dễ xuôi theo các nguồn tin vô căn cứ, trôi nổi trên mạng xã hội?

Theo xác nhận của đại diện cơ quan công an với Dân trí, vụ việc cháu L.H.L. (học sinh lớp 1, trường Gateway) tử vong cho đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra. Lực lượng chức năng hiện mới chỉ khởi tố vụ án, chưa có bất kỳ quyết định tố tụng nào tiếp theo.

Như vậy, sau hai tuần xảy ra vụ việc, với chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu “khẩn trương điều tra”, công chúng vẫn cần thêm thời gian chờ đợi. Dẫu biết không thể nóng vội, nhưng thiết nghĩ, các đơn vị chức năng cần có những động thái đáp ứng kịp thời nhất nhu cầu thông tin của công chúng. Chỉ với sự minh bạch, công khai, tin giả mới không còn đất sống.

Bích Diệp