Vỡ đập lộ diện những gian dối

(Dân trí) - Lại thêm đập thủy điện Ia Krêl vừa bị vỡ. Con nước dữ dội ào về vùng hạ du, không có người bị chết nhưng cả một vùng hoa màu và nhà cửa của người dân bị cuốn trôi.

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Con nước cuồng nộ tràn qua đập thủy điện này không lùa đi mạng người nào là một sự may mắn. Đúng như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: “Đây là may, ăn may chứ nếu không đã thành thảm họa, nếu không xử lý nghiêm thì rất nguy hiểm. Đừng có hy vọng những trường hợp sau sẽ gặp may như thế này nữa mà thiệt hại sẽ rất lớn”.

 

Đập vỡ đã lòi ra quá nhiều sự gian dối. Qua kiểm tra ban đầu, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết cống dẫn dòng chất lượng kém, thép không đúng thiết kế, bêtông không đạt chất lượng; từ đó, trong quá trình tích nước, cống bị phá và ăn dần vào đập đất dẫn đến vỡ sập. Đập toàn đất, taluy bên trong lòng hồ toàn là đá xô bồ rải lởm chởm. Theo thiết kế, taluy này phải được lát tấm bêtông hoàn toàn để tránh nước xâm vào thân đập.

 

Chưa hết, sau khi nước trong hồ rút hết mới phát hiện thêm sai phạm của công trình. Lòng hồ lởm chởm, đầy rẫy cây cối. Vẫn theo ông Lê Vinh: “Nguyên tắc là phải dọn vệ sinh lòng hồ và khảo sát lại toàn bộ để xem dưới đó như thế nào, có di tích gì không, hay có mồ mả gì của người ta hay không, đằng này ở hồ thủy điện này không hề làm bước đó”.

 

Trước đập thủy điện Ia Krêl, chỉ cách đây gần một năm, hai công trình thủy điện khác cũng bị vỡ vì những lý do khác nhau, nhưng căn nguyên vẫn là thi công gian dối, xây dựng không đúng tiêu chuẩn. Còn nhớ chuyện người giầu tưởng tượng nhất cũng khó tưởng tượng được là vụ vỡ  đập thủy điện Đăk Mek 3 (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) ngày 22.11.2012. Đập dài 80m, cao 20m, nhưng chỉ một chiếc xe ben đụng phải đã sụp đổ một đoạn 60m, làm một người chết.

 

Còn nữa, Công trình thủy điện Đak Rông 3 (sông Đak Rông – Quảng Trị) do Cty cổ phần thủy điện Trường Sơn (Quảng Bình) lập dự án đầu tư xây dựng, đã bị vỡ đập trên chiều dài khoảng 30 mét trong đợt mưa lũ từ ngày 7.10. 2012. Sau khi kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện những khối bêtông khổng lồ vỡ, lòi ra những que sắt, loại lớn nhất chỉ có phi 16. Những que sắt này được kết cấu cho từng khối bêtông riêng rẽ, chúng không được hàn hoặc tổ chức kết cấu cho toàn bộ thân đập. Sắt quá ít, quá nhỏ, không đủ sức để giữ hàng trăm tấn bêtông. Tệ hại hơn, từ trong bêtông, lòi ra các loại gỗ, củi, đất. Nhiều chỗ là bêtông nhưng dùng tay bẻ được từng cục.

 

Thế đấy, xây dựng công trình thủy điện có quá nhiều cái giá phải trả. Một dự án thủy điện mọc lên mà ngàn vạn cây rừng ngã xuống. Nơi nào có thủy điện, nơi đó môi trường sinh thái bị hủy hoại, môi trường sống của người dân bị đảo lộn. Nhưng đáng sợ hơn, đó là người ta lạnh lùng làm ăn gian dối, bất chấp hậu quả. Người ta làm giàu trên sự đe dọa sinh mạng của người khác. Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 nếu không được điều tra và xử lý nghiêm thì sẽ còn các vụ tiếp theo.
 
 
Lê Chân Nhân 

 

 
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!