“Viện tham nhũng tâm thần” để chữa bệnh "tâm thần tham nhũng"?
(Dân trí) - Ở ta, chuyện không thu hồi được tài sản tham nhũng không lạ. Những bị cáo tham nhũng “bị” xử án treo cũng không lạ và cả chuyện tham nhũng, tiêu cực chỉ bị kỉ luật bằng biện pháp hành chính như cảnh cáo, khiển trách, phê bình… cũng không lạ. Vì thế, chuyện bị cáo bỗng dưng đổ bệnh tâm thần thì cũng chả có gì lạ cả.
Vào hệ tìm kiếm Google với dòng chữ “tham nhũng + tâm thần” sẽ xuất hiện hàng loạt bài báo nói về hiện tượng này. Ví như báo Tuổi trẻ đặt vấn đề “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế!”, báo Thanh niên “Tội phạm tham nhũng thường... tâm thần”...
Chuyện này, không chỉ nhà báo, cũng không chỉ dân thường mà ĐB Quốc hội cũng nhiều lần nói. ĐB Đỗ Văn Đương từngbày tỏ rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra thì bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc bị đình chỉ khiến vụ án kéo dài. “Tôi cho rằng loại tội phạm này thì không cần phải đi giám định tâm thần nữa”.Ông Đương nói.
Đến cả ông Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng phải nói kể cả các vụ án tham nhũng lớn, các bị cáo khi bị truy tố thường bị bệnh tâm thần và không phải chịu trách nhiệm hình sự, hoãn thời gian chịu trách nhiệm hình sự.
“Tình hình này có vấn đề gì không, tâm thần thật hay là đối phó? Nhiều vụ chúng tôi thấy các bị can bị cáo tỉnh táo, hoành tráng lắm”. Ông Hiện bày tỏ.
Vì thế gần đây, ông Nguyễn Mạnh Cường - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông từng để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh “bỗng dưng” bị bệnh tâm thần. Vì thế màsau gần 3 năm có Kết luận số 09/KL-TTr, Thanh tra tỉnh, đến nay tỉnh Đắk Nông vẫn chưa xử lý trách nhiệm đối với ông Cường vì lý do ông này đang điều trị nhiều bệnh.
Cụ thể, theo kết quả giám định số 02/KL-HĐGĐ, ngày 25/4/2015, ông Cường mắc các bệnh như thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C4-C5, C5-C6, C6-C7, nhồi máu não cũ, tăng huyết áp độ II, rối loạn mất ngủ kéo dài và rối loạn trí nhớ. Kết luận giám định, tỷ lệ mất khả năng lao động của ông Cường là 76%.
Người xưa nói “để lâu… hóa bùn”.Ba năm rồi chưa xử lý được chắc sẽ không xử lý được vì tuổi càng cao, tật bệnh càng nhiều, đau ốm càng lắm. Mà theo theo pháp luật cũng như ngoài đời thì “Ốm tha, già thải”.
Người viết bài này nhiều khi tự hỏi, tại sao những người thuộc đối tượng nghi phạm tham nhũng lại hay mắc bệnh tâm thần thế nhỉ?
Không phải nhà chuyên môn nên người viết bài này không thể giải thích bằng khoa học mà chỉ lẩn thẩn nghĩ rằng có ba giả thiết.
Giả thiết thứ nhất, bị tâm thần nên mới tham nhũng hay nói cách khác, tham nhũng là hành vi của… người tâm thần!
Điều này có vẻ có lý bởi tham nhũng là dối trá, là xấu xa.Người minh mẫn lại có chức, có quyền chả ai làm điều xấu xa đó cả. Vậy thì có lẽ đó là hình vi của một người không làm chủ được mình?
Chỉ băn khoăn một điều, người điên xưa nay thường coi tiền như… giấy lộn. Đưa cho họ có khi họ còn ném đi.Trong khi, ở đây thì ngược lại.Rồi không chỉ thế, để tham nhũng cũng không hề dễ, phải vượt qua hàng loạt “cửa ải” với chằng chịt những qui định mà nhiều người minh mẫn cũng khó mà làm được. Vậy mà lạ thay, những người này dù “mắc bệnh” vẫn… “luồn lách” nhoay nhoáy!
Giả thiết thứ hai, tham nhũng có nhiều tiền quá nên hóa… tâm thần?Cái này cũng có thể bởi người xưa bảo “Giàu quá hóa rồ”.Đây có lẽ là loại dịch bệnh “vì tiền hóa điên” mới bùng phát ở Việt Nam ta chăng?
Giả thiết thứ ba, tham nhũng bị phát hiện nên “chạy tâm thần” để thoát tội.Cái này, ông Nguyễn Văn Hiện đã nói ở trên rồi.
Có lẽ để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an nên thành lập “Viện tham nhũng tâm thần” để điều trị và sàng lọc các đối tượng này, chắc chỉ qua vài cái “lệnh” là rõ nguyên nhân, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám