Viện Kiểm sát Tối cao và công văn… đính chính!
(Dân trí) - Những sai phạm trong các văn bản ở nước mình có thể nói là không thể kể hết. Nó có mặt ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành từ cơ quan trung ương đến các địa phương. Có những sai sót tối thiểu như sai tên người nhận, sai lỗi chính tả và có những lỗi mà sự sai sót đến mức không thể lý giải nổi.
Sự việc bắt đầu từ năm 2007 với một vụ kiện ra tòa dân sự giữa hai doanh nghiệp tạm gọi là Công ty A và Công ty B. Qua nhiều lần xét xử, tại bản án số 06/2013/KDTM-PT ngày 12/12/2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định phía Công ty B phải đền bù cho Công ty A.
Ngày 10/3/2014, với sự chủ trì của Thi hành án Thị xã Chí Linh, hai bên đã thỏa thuận phương thức đền bù. Cụ thể, việc thi hành án sẽ được chia làm 2 đợt, mỗi đợt trị giá 50% số tiền đền bù. Thời điểm thực hiện đợt một là ngày 30/5/2014 và đợt hai là ngày 20/12/2014.
Thỏa thuận thi hành án đã được các chấp hành viên, đại diện bên được thi hành án và bên phải thi hành án ký kết vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 10/3/2014.
Có thể nói, việc thỏa thuận thi hành án đến thời điểm này là xong.
Thế nhưng ngạc nhiên là 9 ngày sau, tức là ngày 19/3/2014, VKSTC lại có Công văn số 06/VKSTC–V12 với nội dung yêu cầu hoãn thi hành án như đã nói ở trên.
Và càng ngạc nhiên hơn, theo công văn thì đề nghị xin hoãn thi hành án lại là… đơn vị được thi hành án, tức Công ty A.
Tá hỏa vì sự việc này, đại diện Công ty A đã gửi công văn khẳng định công ty này “không có bất cứ đơn thư nào gửi VKSTC đề nghị hoãn thi hành án”.
Té ra là có sự nhầm lẫn. Phía đề nghị hoãn thi hành án là Công ty B nên ngày 25/3/2014, bà Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thủy Khiêm đã gửi Công văn số 754/VKSTC–V2 để… đính chính!
Xin không đặt những câu hỏi như tại sao việc thi hành án đã được các bên chấp thuận thì VKSTC lại còn có công văn này mà chỉ nói về sự “nhầm lẫn” rất đáng ngạc nhiên trên.
Đành rằng, sự nhầm lẫn thì ở đâu và lúc nào cũng có thể xảy ra nhưng đối với một cơ quan như VKSTC mà nhầm lẫn nguyên đơn và bị đơn thì không thể không đặt câu hỏi vè công tác soạn thảo văn bản ở một cơ quan quan trọng vào bậc nhất cả nước mà mỗi quyết định liên quan đến vận mệnh của biết bao người này.
Phải chăng lời nhận xét không thể chính xác hơn: “Bằng giả chỉ “lọt” được vào cơ quan nhà nước” của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận chính là ở đây và đối tượng 100 ngàn công chức tinh giảm cũng là đây.Với một bộ máy hành chính như vậy, những oan sai của dân không xảy ra mới là sự lạ, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!