Vì sao tôi xin ngàn lần cảm ơn Liên đoàn bóng đá!?

(Dân trí) - Vâng, tôi xin ngàn lần cảm ơn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ này. Những thành công vang dội của bóng đá Việt Nam thời gian vừa qua, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của họ. Đó là họ đã… không làm gì, xin lỗi là có làm nhưng ít nhất…

Vì sao tôi xin ngàn lần cảm ơn Liên đoàn bóng đá!? - 1

Thời gian qua, bóng đá nước ta đã có bước phát triển đáng kinh ngạc. Nền bóng đá luôn xếp ở “chiếu trên” - Thái Lan luôn là khắc tinh của bóng đá Việt Nam giờ đây chỉ ngang tầm “kỳ phùng, địch thủ”.

Thậm chí không ít lần họ phải thất bại trong thế tâm phục, khẩu phục. Chúng ta đã vươn ra tầm châu lục và đang nuôi khát vọng bước ra sân cỏ thế giới.

Điều gì làm nên sự thần kỳ này?

Đã có quá nhiều phân tích của các nhà báo chuyên về thể thao, về bóng đá, của các nhà chuyên môn, của người hâm mộ…

Tựu chung lại, các ý kiến đều thống nhất ở mấy điểm chính.

Đó là sự đóng góp to lớn của các mạnh thường quân khối doanh nghiệp, đặc biệt là ông Đoàn Nguyên Đức với lò đào tạo bóng đá Hoàng Anh Gia lai, và việc bỏ tiền túi mời huấn luyện viên Pak Hang Seo.

Là bầu Hiển, bầu Kiên với tầm nhìn xa, trong rộng, không ngần ngại chi những khoản tiền lớn và cả những đấu tranh không mệt mỏi với sự trì trệ cố hữu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam…

Đó là tài năng của HLV Pak Hang Seo và khát vọng của các cầu thủ.

Đó là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của đồng bào cả nước, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà cụ thể là vụ bắt hàng loạt đối tượng liên quan đến cá độ bóng đá đã góp phần làm trong sạch nền bóng đá Việt Nam, tạo nên sự đoàn kết cũng như động lực khi thi đấu của các cầu thủ…

Song, cá nhân người viết bài này còn ngàn lần cảm ơn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Lý do, có lẽ đây là thời điểm Liên đoàn ít thể hiện quyền uy nhất. Họ đã không (hoặc rất ít) can thiệp vào chuyên môn nên  không xảy ra chuyện “lắm thầy nhiều ma”.

Không (hoặc rất ít) can dự vào việc bố trí đội hình nên không có cảnh yêu cầu thủ này, ghét cầu thủ nọ.

Không còn cảnh đàn đàn, lũ lũ quan chức “ăn theo” mỗi lần du đấu ở nước ngoài.

Không còn cảnh liên đoàn can thiệp, thậm chí trực tiếp chia phần thưởng và thường không quên phần của người chia phần dù họ không (hoặc có rất ít) công lao.

Tóm lại, theo nngười viết bài này, thành công của bóng dá Việt Nam chính là nhờ sự đóng góp rất lớn bằng cách… “không làm gì”, à quên, can thiệp ít nhất của một số quan chức Liên đoàn Bóng đá.

Thành thật, chỉ lo họ lại… chỉ đạo sâu sát thì thành tựu lại lẹt đẹt như đã từng hơn một lần lẹt đẹt. Lạy giời!

Viết về bóng đá, chợt nhớ lại có lần tôi hỏi một vị nguyên là lãnh đạo Chính phủ rằng cần phải làm gì để giúp dân làm giàu, doanh nghiệp phát triển?

Vị quan chức già 90 tuổi  nói đại để chỉ cần cơ quan quản lý làm đúng chức năng, phận sự, đừng đè nén họ, đừng những nhiễu họ, đừng hạch sách họ…

Rồi ông hạ giọng: “Nhân dân thông minh lắm, họ tự biết phải làm gì, đâu cần ai dạy bảo…”.

Bùi Hoàng Tám