Vì sao Chủ tịch nước một ngày hai lần nói đến từ “xấu hổ”!
(Dân trí) - "Xấu hổ" là hai từ đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói đến hai lần tại cuộc tiếp xúc cử tri trong ngày 5/12 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh.
Theo thông tin từ báo chí, lần thứ nhất, ông nhắc vào buổi sáng tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, sau khi nghe ý kiến bức xúc của các cử tri Nguyễn Minh Hoan, Trần Quang Tuấn, Nguyễn Hoài Nam xung quanh vấn đề tham nhũng và phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết dù nhà nước đã kiện toàn bộ máy, thực hiện nhiều giải pháp, nhưng kết quả chưa đạt và tham nhũng “còn hết sức nghiêm trọng”.
“Một trong những điều buồn nhất là nhìn vào bảng thống kê xem người ta xếp Việt Nam đứng thứ mấy trong bản đồ tham nhũng thế giới. Buồn lắm, xấu hổ lắm! Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà tệ tham nhũng thì đứng trên 100? Bê bối quá, cảm thấy không chấp nhận được!” - (bài “Chủ tịch nước: Tôi thấy xấu hổ khi nhìn vào bản đồ tham nhũng thế giới” – Infonet ngày 5/12)
Vâng! Có lẽ không chỉ cử tri Quận 1, cử tri TP HCM mà nhân dân cả nước đã và đang chỉa sẻ với Chủ tịch về sự xấu hổ này.
Dù đã có những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực, song không xấu hổ sao được khi tham nhũng như cái cây, càng chống càng lớn mạnh, càng chặt càng xum xuê, biến ảo. Giờ đây, tham nhũng không chỉ dừng ở vật chất mà đã tinh vi hơn, “ma quái” hơn, đó là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách để từ đó, tạo điều kiện cho “lợi ích nhóm”.
Không xấu hổ sao được khi những cụm từ mới, chưa từng có trong từ điển như “chuyến tàu vét”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “thừa kế… trách nhiệm”, “bút sa… hoa hồng nở”… luôn luôn được “phát kiến”, bổ sung.
Lần thứ hai Chủ tịch nước nhắc đến hai từ này vào chiều ngày 5/12 tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 3. Tại đây, nhiều cử tri phản ánh về thực trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi, đã xác định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm… "Những đồng chí đó bị thi hành kỷ luật, có dám nhận khuyết điểm, từ chức không? Thực tế không có ai từ chức, chỉ nói rút kinh nghiệm sâu sắc thôi. Kỷ cương phép nước không chấp hành, từ lớn đến nhỏ, cả xã hội, một đất nước, dân tộc như thế này, tại sao? Ai chịu trách nhiệm đến đâu? Giờ sắp về nghỉ, thậm chí báo chí nói có người còn tìm cách giàu nốt, hay tìm cách ở lại". Cử tri Hồ Quang Chính thẳng thắn bày tỏ.
Trước phát biểu về những yếu kém nói mãi, không ai sửa, chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc này, Chủ tịch nước nói ông thấy đây là những nhận xét thấm thía và "đắt giá" vì đó là sự thực.
"Nghe cử tri nói chỉ có rút kinh nghiệm sâu sắc mà thấy xấu hổ". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tâm sự. - (bài Bầu Bộ Chính trị, TƯ, lá phiếu của ai? – Vietnam Net ngày 5/12)
Vâng! Thực tế là rất đáng xấu hổ khi có thành tích thì chẳng sót ai nhưng với hàng loạt những yếu kém, khuyết điểm thì cho đến nay, chưa có ai từ chức để “bảo toàn danh dự” một cách tối thiểu nhất. Vẫn là “rút” mãi “cái sợi dây kinh nghiệm” dài vô tận như lời của cố Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh.
Thế là chỉ trong có một ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải hai lần thốt lên lời “xấu hổ”. Điều này thể hiện tinh thần phê và tự phê nghiêm khắc của người đứng đầu nhà nước, song cũng là nỗi đau xót, xấu hổ và còn hơn cả sự “xấu hổ” là nỗi “nhục” như lời của Chủ tịch được báo Dân trí trích lại: “Buồn lắm, xấu hổ, nhục lắm... Bê bối quá. Bê bối quá. Rất bê bối. Không chấp nhận được” – Bài “Chủ tịch nước: Xấu hổ lắm khi thấy vị trí Việt Nam trên "bản đồ tham nhũng thế giới".
Nỗi xấu hổ này không chỉ của riêng Chủ tịch với cử tri mà nó còn là nỗi xấu hổ của cả dân tộc Việt Nam với thế giới, bởi “Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà tệ tham nhũng thì đứng trên 100? Bê bối quá. Bê bối quá. Rất bê bối” như lời ông nói.
Hi vọng rằng một ngày không xa, người đứng đầu nhà nước không còn phải “xấu hổ” trước cử tri, dân tộc Việt Nam không phải “xấu hổ” với thế giới mà ngược lại, là niềm tự hào bởi Việt Nam là quốc gia minh bạch và trong sạch hàng đầu thế giới!?
Bùi Hoàng Tám