Vi phạm, sai phạm… nhiều đến “phát chán”!

(Dân trí) - Chẳng riêng gì các dự án công (vốn là địa chỉ để các đối tượng tham nhũng bòn rút công quỹ, tài sản Nhà nước) mà các dự án, các doanh nghiệp tư nhân cũng thế. Bất kể địa chỉ nào nhập nhằng, không minh bạch thì cũng là môi trường để cá nhân trục lợi.

Vi phạm, sai phạm… nhiều đến “phát chán”! - 1

Nhà báo Mạnh Quân trong một bài báo vừa đăng tải trên Dân trí ngày 8/10 đã cho biết, kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hầu hết dự án xây dựng đường giao thông lớn tại huyện đảo Phú Quốc trong diện bị kiểm toán đều có tình trạng sai phạm khối lượng, đơn giá với số lượng lớn.

Cái đáng lo, đáng ngại ở đây không chỉ là vấn đề số lượng lớn sai phạm mà là sai phạm xảy ra ở “hầu hết” dự án bị kiểm toán. Xin nhấn mạnh là “hầu hết” - nghĩa là dường như đang xảy ra một thực tế ở các dự án công hiện nay là cứ sờ đâu là sai đấy?

Tờ Infonet ngày 21/5 có đưa tin rằng, trong năm 2017, qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng, chưa kể là các sai phạm, vi phạm khác của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Ấy là kiểm toán, còn về phía thanh tra cũng vậy. Nào là thanh tra cổ phần hoá; thanh tra chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai; thanh tra thuế v.v… cứ công bố kết luận thanh tra, không ít thì nhiều cũng sẽ để “lộ” ra sai phạm.

Chẳng riêng gì các dự án công (vốn là địa chỉ để các đối tượng tham nhũng bòn rút công quỹ, tài sản Nhà nước) mà các dự án, các doanh nghiệp tư nhân cũng thế. Bất kể địa chỉ nào nhập nhằng, không minh bạch thì cũng là môi trường để cá nhân trục lợi.

Thông tin sai phạm tràn lan, nói thật, dễ làm người ta thấy… phát chán và sụt giảm lòng tin. Thế nhưng, cũng phải thấy rằng, có làm thì mới dễ xảy ra sai sót, nếu muốn không sai thì tốt nhất đừng làm… mà không ai dám làm thì lấy đâu ra tăng trưởng và phát triển?

Người xưa có câu “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Thành ra đa số sẽ có suy nghĩ rằng cứ thanh tra kiểm toán là thể nào cũng “sờ” ra được sai phạm. Cứ doanh nghiệp nào, địa phương nào bị “dính” đến kiểm toán, thanh tra (dù có khi chỉ là thanh tra, kiểm toán theo kế hoạch) thì thể nào dư luận cũng tò mò nghe ngóng xem “có ra được cái gì không”.

Đầu năm nay, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã “bắt bệnh” của cơ quan kiểm toán, thanh tra, giám sát đó là “chưa làm đã nhìn thấy người ta có tội”.

Mà khốn nỗi, nhiều đơn vị khi nghe nói bị đưa vào diện thanh tra, kiểm toán, chưa biết kết luận thế nào cũng đã tự cảm thấy mình “có lỗi” và “co rúm” hết cả lại vì lo lắng, dù có khi họ chẳng làm gì sai. Cũng chính tâm lý này mới sinh ra nạn phong bì, phong bao, hối lộ để nhằm lờ đi hay giảm thiểu sai phạm, mà thậm chí chỉ là để có “quan hệ tốt”.

Chẳng ai ủng hộ gì việc để xảy ra sai phạm, sai sót. Nhưng “tích cực” quá trong việc “bới lông tìm vết” cũng là không nên.

Đúng như dặn dò của Chủ tịch Quốc hội rằng: “Kể cả người ta có tội cũng phải ứng xử có văn hóa, sai phạm là sai phạm pháp luật, chúng ta phải có đạo đức công vụ, không gây tổn thương cho người ta khi chưa có kết luận. Kể cả khi có kết luận rồi cũng phải nghe trình bày. Phải có trao đổi để kết luận kiểm toán của mình, người ta nghe thấm, tâm phục khẩu phục”.

Mục đích cuối cùng của những đợt kiểm toán, thanh tra… là chỉ ra lỗi sai, ngoài việc xử lý chỗ sai ra còn có tác động lan toả và truyền thông điệp để khiến không ai dám làm sai như thế nữa. Muốn vậy, các đơn vị làm kiểm toán, thanh tra cần phải độc lập trong nhiệm vụ và công tâm, chính trực, sai đến đâu xử đến đấy, minh bạch, rõ ràng. Nếu thoả hiệp, thì chẳng những khiến “nhờn sai phạm” mà còn bóp méo ý nghĩa cái nhìn giám sát của “bên thứ ba”.

Để xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật thì hoạt động thanh tra, kiểm toán… hơn hết, cần là công việc tử tế và nhân văn nhất.

Bích Diệp