Về mua sắm thiết bị y tế: Đừng nhìn thấy đâu cũng là cạm bẫy, là màu đen!

Bích Diệp

(Dân trí) - Một người bạn gọi cho tôi thông báo toàn bộ người trong nhà đã mắc Covid-19. Những người cùng gia đình đều có nguyện vọng được cách ly, điều trị tại nhà do e ngại điều kiện vật chất ở bệnh viện.

Về mua sắm thiết bị y tế: Đừng nhìn thấy đâu cũng là cạm bẫy, là màu đen! - 1

Tâm lý này là dễ hiểu. Dù rằng, Nhà nước và ngành Y tế cũng đã nỗ lực để cải thiện điều kiện khám chữa bệnh, phục vụ tốt nhất có thể cho bệnh nhân, đặc biệt là với bệnh nhân Covid, thế nhưng không phải cơ sở y tế nào cũng có thể đáp ứng được kỳ vọng.

Với số lượng ca nhiễm tăng nhanh (hàng trăm ca mỗi ngày) và tăng đồng loạt ở nhiều địa phương như hiện nay, việc đảm bảo cơ sở vật chất để chống quá tải, "vỡ" an toàn hệ thống y tế là rất cần thiết, cấp bách.

Trong phương án ứng phó với dịch bắt buộc phải lên kịch bản cụ thể để đáp ứng lực lượng y bác sĩ điều trị, đội ngũ tình nguyện viên tham gia chống dịch, cùng cơ sở trang thiết bị y tế, không thể "nước đến chân mới nhảy". Mà thực tế đến hiện tại thì nước cũng đã đến… đầu gối rồi!

Đơn giản là không thể để đến khi số lượng bệnh nhân nhập viện lên tới 1.000 ca thì mới làm 1.000 giường bệnh, đi tuyển bao nhiêu nhân sự, mua bao nhiêu trang thiết bị, sắm bao nhiêu máy thở, bao nhiêu trang phục bảo hộ y tế… Không ai, không nơi nào làm như thế cả!

Tuy vậy, trong phiên họp chiều 8/12 của UB Thường vụ Quốc hội, khi bàn về việc mua sắm trang thiết bị y tế, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa chia sẻ rằng: "Chúng tôi biết có nhiều khoản kinh phí chuyển từ Mặt trận Tổ quốc về Bộ Y tế không chi tiêu được vì vướng cơ chế chính sách mua bán thiết bị y tế".

Theo lãnh đạo cơ quan kiểm toán, giờ nếu tính toán, soi kỹ để bảo đảm chính xác thì rất khó; đồng thời cho rằng, nếu không có chính sách gỡ vướng thì sẽ rất khó mua sắm trang thiết bị y tế.

"Kiểm toán xin ý kiến là chúng tôi giới hạn không kiểm toán việc mua sắm này. Nói thật khi vào kiểm toán, chúng tôi sợ không có đường ra, vì mua sắm mỗi nơi mỗi kiểu. Vì dịch, lúc đó mua được là mua thôi", Phó Tổng Kiểm toán nói.

Bên cạnh đó, đề cập đến chế độ cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu nhận xét, lực lượng ngành y vừa rồi rất vất vả, nhiều người đã bỏ nghề.

"Tham gia phòng chống Covid-19 có rất nhiều lực lượng, cán bộ cơ sở bây giờ cũng bức xúc lắm, nhiều người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" cũng muốn thôi không làm nữa. Vậy đã tính đến cái này chưa?" ông Phương đặt vấn đề.

Đành rằng chúng ta luôn cảnh giác với tiêu cực ở các loại hình mua sắm, chi trả sử dụng ngân sách Nhà nước, lo rằng đâu đó có "làm giá", có thỏa thuận ngầm, có "quân xanh, quân đỏ" khi đấu thầu, có hiện tượng qua mắt cơ quan chức năng để tư lợi…

Một số hiện tượng xuất hiện gần đây như loạn giá xét nghiệm, loạn giá khẩu trang… đã tạo nên dư luận xấu. Đến cuối tháng 9, Bộ Y tế ra văn bản đề nghị các địa phương xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19.

Về ý chí, chúng ta khẳng định rằng, phòng và chống tiêu cực là cần thiết. Thế nhưng, sự thắt chặt này cũng tạo nên tâm lý e ngại, sợ sai. Thậm chí, trong công tác chi trả có thể phát sinh những tình huống chạm đến tự trọng nghề nghiệp của đội ngũ y tế, khiến cán bộ ngành y bị tổn thương, nản với nghề và bỏ nghề - điều đó đã xảy ra.

Trong phiên họp chiều 8/12 đã có nhiều nội dung được bàn bạc, đăng tải tại bài viết nói trên ngày 9/12 Mục Xã hội, người viết xin không đề cập lại. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh trong công tác này cần thiết phải có quy chế rõ ràng, tránh tạo ra những "bẫy chính sách" mà người thực hiện có thể gặp rủi ro pháp lý về sau.

Ngoài chính sách cần cả đạo đức và ý thức của mỗi cá nhân - đó là tâm, là tầm của người quản lý, là y đức của người trong ngành. Hãy cứ đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp! Sinh mạng hiện nay mới là quan trọng nhất!