Về một người bình thường đã làm một việc phi thường…

Hoàng Lam

(Dân trí) - Người hùng, đó là cách người dân bày tỏ sự cảm phục đối với anh Nguyễn Ngọc Mạnh, một người lái xe bình thường nhưng đã làm được điều phi thường.

Về một người bình thường đã làm một việc phi thường… - 1

Từ chiều tối ngày 28/2, vụ việc một cháu bé 3 tuổi thoát chết một cách kỳ diệu khi rơi từ tầng cao chung cư xuống đất đã "dậy sóng" dư luận. Mọi người "thở phào" trước "kỳ tích" này và không quên bày tỏ sự cảm phục và biết ơn "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh.

Theo thông tin trên báo Dân trí, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (trú huyện Đông Anh, Hà Nội) chính là người đã nhanh trí cứu được cháu bé. Chỉ trong tích tắc sau khi phát hiện cháu bé lơ lửng trên lan can tầng 12A của tòa chung cư, người bố của hai đứa con nhỏ đã lao ra khỏi xe ô tô, băng qua tường rào, trèo lên mái tôn, dù trượt ngã nhưng vẫn kịp đưa tay để đón cháu bé đang rơi tự do từ tầng cao xuống, "giành" sự sống cho cháu trước lưỡi hái tử thần.

Là người mẹ, tôi phải lấy hết can đảm để có thể xem hết clip diễn biến về sự việc. Dẫu biết cháu bé sau đó đã an toàn nhưng người cha, người mẹ nào không cảm thấy trái tim như bị bóp nghẹt khi chứng kiến khoảnh khắc vô cùng đáng sợ ấy?.

Chúc mừng cháu và gia đình. Cảm ơn "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh. Ngay trong sáng 1/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có thư khen. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tặng Bằng khen cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Đó là sự ghi nhận kịp thời của người đứng đầu Thủ đô đối với hành động dũng cảm này.

Sau phút giây cứu người nghẹt thở ấy, khi cháu bé đã an toàn, giao cho bố mẹ đưa đến bệnh viện kiểm tra, anh Mạnh vội vã trở về nhà với hai đứa con nhỏ của mình.

Người cha sau khoảnh khắc chói sáng ấy không màng đến sự tung hô, sự hàm ơn của người khác, chỉ lặng lẽ trở về với triết lý "trong tình huống cấp bách ấy, ai cũng sẽ hành động như thế"!.

Điều diệu kỳ không phải lúc nào cũng có thể diễn ra và không phải ai cũng may mắn như cháu bé 3 tuổi ấy. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng và những cái chết thương tâm tại các khu chung cư trong trường hợp tương tự.

Sự việc đã gióng lên một hồi chuông về việc đảm bảo an toàn trong các chung cư cao tầng hiện nay.

Rõ ràng trong sự việc này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về bố mẹ và người thân của cháu bé bởi sự lơ là của họ suýt chút nữa đã phải trả cái giá bằng mạng sống của con mình. 

Tuy nhiên, cũng phải nói đến tính an toàn trong việc thiết kế, xây dựng các chung cư cao tầng. Trên địa bàn Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng, rất nhiều chung cư được xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước năm 2020, khi quy định chiều cao của lan can không được nhỏ hơn 1,1m.

Với chiều cao này, chủ hộ thường gia cố ban công để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Việc này sẽ dẫn tới sự thiếu đồng nhất và không đảm bảo tính thẩm mỹ cho cả công trình khi mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó còn gây cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã có thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó điều chỉnh quy định về chiều cao đối với lan can ban công "không được nhỏ hơn 1,4 m". Các quy định này áp dụng cho các chung cư xây dựng từ ngày 1/7/2020.

Dù vậy, chiều cao tối thiểu này chưa hẳn đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ, vốn hiếu động và chưa nhận thức được mối nguy hiểm.

Vậy nên, trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho trẻ trước tiên từ chính bố mẹ và người thân.

Không ai muốn làm người hùng bất đắc dĩ như anh Nguyễn Ngọc Mạnh, tôi tin là như thế và là cũng một người mẹ, tôi xin cảm ơn anh, người bình thường đã làm một việc phi thường!