“Văn hoá minh bạch” liệu có quá khó không?
(Dân trí) - Họ nghĩ rằng những chiêu “lo lót” sẽ có thể qua mắt điều tra viên Vụ Liêm chính của Ngân hàng Thế giới? Hay họ vẫn nghĩ rằng tất cả đều sẽ bị khuất phục trước sức mạnh của đồng tiền “bôi trơn”?
Ngân hàng Thế giới (World Bank) - tổ chức tài chính lớn nhất toàn cầu mới đây chính thức công bố việc cấm một công ty có trụ sở tại Việt Nam có tên là Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu không được tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tài trợ của World Bank trong vòng 7 năm.
Nguyên nhân được cho là công ty này đã có liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận khi tham gia dự thầu Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng và Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Cụ thể, trong quá trình dự thầu 2 gói thầu BRT Hà nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018), nhân viên của Sao Bắc Đẩu có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.
Đáng nói, thông báo này của World Bank được công bố trên trang web chính thức worldbank.org và đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Nói cách khác, đòn “dằn mặt” của World Bank đã không chỉ khiến riêng công ty này mất thể diện mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Thừa nhận những thông tin mà World Bank công bố, lãnh đạo Sao Bắc Đẩu cho biết, việc công ty này để nhân viên tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của World Bank và cũng là lỗi của Sao Bắc Đẩu trong việc quản lý nhân viên của mình.
“Sao Bắc Đẩu đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc tham gia các dự án quốc tế, làm tiền đề để công ty nâng cao hơn nữa năng lực tham gia các dự án quốc tế trong tương lai” - công ty trên cho biết.
Nhận lỗi và rút được “bài học kinh nghiệm sâu sắc”, dẫu sao cũng là những động thái tích cực của doanh nghiệp này.
Có điều, bài học ấy có quá đắt hay không? Liệu có phải ban lãnh đạo Sao Bắc Đẩu thực sự không hề biết gì về hành vi gian lận, hay lý do lơi lỏng trong “quản lý nhân viên” chỉ là cái cơ thoái thác trách nhiệm mà thôi?
Và buồn thay, đây không phải là lần đầu World Bank “cấm cửa” với một doanh nghiệp Việt.
Năm 2015, World Bank từng trừng phạt Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam cũng bởi lý do gian lận. SFC và các chi nhánh của công ty này bị cấm tham gia đấu thầu tối thiểu 10 năm vì sai phạm tại 2 dự án ở Việt Nam. Cá nhân Tổng Giám đốc công ty này và bất kỳ công ty nào do ông này trực tiếp điều hành cũng bị cấm tối thiểu là 11 năm.
Trước đó, một công ty Việt Nam khác là Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long và các công ty con cũng bị cấm vận trong thời gian 2,5 năm do có hành vi tương tự.
Đã có những bài học như vậy, vì sao doanh nghiệp chúng ta vẫn dẫm lên những vết xe đổ của nhau?
Họ nghĩ rằng những chiêu “lo lót” sẽ có thể qua mắt điều tra viên Vụ Liêm chính của Ngân hàng Thế giới? Hay họ vẫn nghĩ rằng tất cả đều sẽ bị khuất phục trước sức mạnh của đồng tiền “bôi trơn”?
Dù rằng những hành vi gian lận của các công ty nói trên không thể mang tính đại diện cho cung cách làm ăn của các doanh nghiệp Việt, song “con sâu làm rầu nồi canh”, không ít thì nhiều, đã khiến hình ảnh của cả cộng đồng doanh nghiệp bị xấu xí hơn trong con mắt bạn bè, đối tác quốc tế.
“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Để gây dựng thương hiệu và thanh thế cho một công ty cần thời gian và rất nhiều nỗ lực, doanh nghiệp phải đi lên bằng khả năng và uy tín chứ không phải bằng các chiêu trò, tiểu xảo; cũng không phải bằng quan hệ để trở thành “sân sau”, để được bảo kê, được sắp xếp.
Thiết nghĩ, sự kiện này cũng là hồi chuông để cảnh tỉnh về “văn hoá minh bạch” trong doanh nghiệp Việt khi độ mở kinh tế ngày càng lớn và các doanh nghiệp Việt sẽ phải cọ xát nhiều hơn, đòi hỏi chuyên nghiệp hơn.
Bích Diệp