Vắc xin - hi vọng chiến thắng dịch bệnh
(Dân trí) - Trong khi dịch Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp, việc 204.000 liều vắc xin AstraZeneca sẽ được nhập về Việt Nam tới đây phần nào khiến tâm lý người dân trở nên vững tin hơn.
Đây là vắc xin của nhà sản xuất SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc do Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu, công ty này phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu và bảo đảm việc sử dụng vắc xin đúng mục đích, an toàn, hiệu quả theo như cam kết.
Bên cạnh đó, cuối tháng 2 này, Việt Nam cũng có một nguồn vắc xin nữa từ chương trình COVAX facility với 4,88 triệu liều. Hiện, cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến sáng 19/2, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sắp tới, khi có vắc xin ngừa Covid-19, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo tập huấn, đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc xin. Việc này sẽ giao Cục Y tế dự phòng, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các địa phương xây dựng giáo trình, tập huấn để khi vắc xin tiêm cộng đồng lượng lớn phải có lực lượng sẵn sàng, không thể trông chờ vào lực lượng y tế dự phòng mỏng như hiện tại.
Có thể đâu đó vẫn còn những tranh cãi nhất định về hiệu quả vắc xin, tuy nhiên, người viết cho rằng, khi đưa vắc xin vào cộng đồng sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây nhiễm. Nói gì thì nói, vắc xin là hi vọng giúp nhân loại vượt qua thảm họa dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện được song song nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thông tin từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, trong năm 2021, để đảm bảo đủ nhu cầu, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều.
Tổng cộng, chúng ta có 60 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc xin.
"Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc xin có thể trao đổi với Bộ Y tế cho vấn đề nhập khẩu để có vắc xin cho người dân. Bộ Chính trị đã có chỉ đạo cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chỉ thị cụ thể, làm sao cố gắng để người dân tiếp cận được vắc xin đầy đủ, nhằm tái khởi động kinh tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Như vậy, vắc xin phủ kín dân số cần không chỉ sự nỗ lực của Nhà nước mà còn cần tổng động viên trong xã hội.
Ở một diễn biến khác, ít ngày gần đây, một số công ty/tổ chức tư nhân đã đi tắt đón đầu bằng cách tuyên bố sẽ tự chi tiền để mua vắc xin Covid-19.
Trong đó, một trường đại học đã kế hoạch mua 100.000 liều vắc xin Covid-19 cho toàn bộ cô thầy giáo/cán bộ và sinh viên của trường, chi phí dao động từ 3-4 triệu USD. Một doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) để đăng ký mua vắc xin Covid-19 cho 8.000 cán bộ nhân viên cùng người thân và gia đình.
Người viết cho rằng hơn lúc nào khác, việc quan tâm đến sức khỏe nhân viên trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay là biểu hiện rõ nhất về trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp không chỉ với người lao động mà còn với cộng đồng, là động thái thiết thực nhất cho tương lai của chính doanh nghiệp.
Hơn 1 năm ròng rã chiến đấu với Covid-19, đã có quá nhiều thiệt hại với kinh tế đất nước, với các tổ chức sản xuất kinh doanh và với người lao động. Nào là mất việc, giảm việc làm, mất kế sinh nhai. Từ cơ quan chức năng đến các doanh nghiệp đều đã quá vất vả, còn người dân cũng vật vã và khốn đốn bởi đại dịch này.
Vì vậy, tuân thủ nghiêm khắc các biện pháp chống dịch, ủng hộ các chính sách của Nhà nước và đồng hành với Chính phủ nhằm phổ biến vắc xin đến mọi người dân… là việc làm cần thiết và nên nhân rộng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất vắc xin "made in Vietnam" cũng cần có sự cổ vũ, động viên và tin tưởng từ chính người dân chúng ta.
Cùng nhau, Việt Nam nhất định chiến thắng Covid-19!