“Uy quyền” của Cục trưởng và từ nay Quốc ca không phải hát… chui!
(Dân trí) - Thế chả nhẽ suốt 71 năm qua, nhạc phẩm bất hủ đã từng vang lên tại những lễ đài trang nghiêm nhất cho đến mọi bản làng, thôn xóm là… chưa được phép? Nói nôm na là… “hát chui”!? Vậy thì cả nước phải biết ơn Cục trưởng Chương vì từ nay được hát công khai, được hát cho phép, được hát chính danh, không phải hát… “chui”. Hu!
Lại một việc tiếp tục gây ầm ĩ dư luận những ngày qua ở cục Nghệ thuật Biểu diễn và khiến cục này ngày càng "nổi tiếng". Đó là việc bổ sung một số tác phẩm vào danh sách được phép phổ biến và lưu hành của ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương.
Sau khi bị Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch hủy quyết định cấm biểu diễn một số tác phẩm trước năm 1975, trong đó có nhạc phẩm nổi tiếng “Con đường xưa em đi” thì, như để khẳng định “quyền lực” và “nhiệt huyết” của mình, lần này Cục Nghệ thuật Biểu diễn ban hành qui định cho phép phổ biến và lưu hành 324 tác phẩm (gấp hơn 60 lần cấm nhé) trong đó có nhiều nhạc phẩm “kinh điển”.
Đó là: Chào em cô gái Lam Hồng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Bài ca hy vọng, Anh vẫn hành quân, Nói vòng tay lớn, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Bài ca Hà Nội, Việt Nam quê hương tôi… Đặc biệt, còn có cả… Tiến quân ca!
Chỉ riêng việc “cho phép phổ biến và lưu hành” nhạc phẩm Tiến Quân ca đã đủ cho thấy cái uy quyền kinh khủng khiếp của cái Cục này bởi cách đây 71 năm (1946), tác phẩm đã được Quốc hội khóa đầu tiên chọn làm Quốc ca của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hơ! Thế chả nhẽ suốt 71 năm qua, nhạc phẩm bất hủ đã từng vang lên tại những lễ đài trang nghiêm nhất cho đến mọi bản làng, thôn xóm là… chưa được phép? Nói nôm na là… “hát chui”!?
Vậy thì cả nước phải biết ơn Cục trưởng Chương vì từ nay được hát công khai, được hát cho phép, được hát chính danh, không phải hát… “chui”. Hu!
Nói thế thôi chứ thật ra, ngoài cái “tư duy” của Cục Nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật mà đứng đầu là cục trưởng Chương thì chắc chắn 90 triệu dân Việt Nam không ai nghĩ vậy.
Có lẽ qua bức xúc với những việc làm này, ngay lập tức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lần thứ hai (lần đầu là 26/4) phải lên tiếng và lần này thì yêu cầu chấn chỉnh nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ VHTTDL cũng có Công văn yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật.
Trong Công văn của Bộ VHTTDL, có lẽ “đắt sô” nhất là đoạn “chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ” bởi công tác tổ chức (trong đó có đề bạt, bổ nhiệm ông Cục trưởng?) có vấn đề thật. Bởi không có “vấn đề” thì chắc không đến mức xung quanh mỗi một việc mà hai lần Bộ phải chấn chỉnh, hai lần Phó Thủ tướng phải lên tiếng.
Đã đến lúc Bộ VHTTDL cũng nên lưu tâm đến đề xuất của ĐB Quốc hội Phạm Tất Thắng, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh và nhiều ý kiến khác đăng trên Dân trí.
Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng đây là một sai lầm ảnh hưởng đến dư luận xã hội nên cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan: “Nếu là sai phạm của cá nhân, do năng lực trình độ, trách nhiệm thì phải có xử lý phù hợp, phải công bố rộng rãi với nhân dân, cử tri”. Ông Thắng nói.
Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Hà Nội bức xúc: “Các ông làm chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng làm gì cũng phải suy nghĩ, tính toán, nghiên cứu… chứ cứ làm đại thế sao được”.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh thẳng thắn: “Bộ chủ quản cần xem xét lại vị trí của người đứng đầu Cục này bởi suốt một quá trình dài vừa qua, với những lùm xùm quanh chuyện cấp phép rồi đổ lỗi cho cấp dưới, ra văn bản chữa cháy đã cho thấy năng lực của ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đang rất có vấn đề”.
Đặc biệt trên báo điện tử VOV, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ cũng phải kêu lên:
“Với tư cách là một nhà quản lý, đồng thời là người tham gia sáng tác văn học, nghệ thuật, khi nghe được thông tin như vậy, tôi cảm thấy rất buồn. Vì, một cơ quan như Cục NTBD mà lại tư duy theo lối cũ rất cũ, thậm chí là không đúng... Chẳng lẽ chúng ta thời nay lại đi cấp phép cho Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Thập ân phụ mẫu, Phụ tử tình thâm, Giận mà thương, Trống cơm, Đi cấy, Lý cây bông....?”.
Vâng, thưa PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, một khi họ cấp phép cho cả Quốc ca thì việc cấp phép cho những tác phẩm ông nêu trên chỉ là chuyện… nhỏ như con thỏ.!
Có điều cho đến giờ, Bộ VHTTDL chưa có ý kiến về công tác tổ chức. Không biết sau việc “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” lần vi phạm trước (lỗi cấm 5 ca khúc, trong đó có tác phẩm “con đường xưa em đi”), lần này không biết liệu có điệp khúc cũ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” nữa không đây?
Bùi Hoàng Tám