Ủng hộ bỏ thi tuyển vào lớp 6
(Dân trí) - Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đạo cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6, một chủ trương quyết liệt nhằm giảm áp lực cho học sinh, nhưng còn có những vấn đề nảy sinh cần xem xét, điều chỉnh hợp lý.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Nhiều năm qua, việc thi vào lớp 6 khiến cho học sinh bị áp lực thi cử, phụ huynh cũng vất vả theo, lo toan đủ điều. Thầy cô giáo cũng khổ vì phải tổ chức thi tuyển, chấm bài, thưa kiện đủ thứ. Nói chung, bỏ thi thì ai cũng khỏe.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục, thì với lứa tuổi học sinh lớp 6, không cần bắt ép các em phải học hành thi cử quá nhiều, mà chủ yếu là để các em phát triển tự nhiên, vừa học vừa chơi, rèn luyện các kỹ năng sống khác. Quan điểm này được đa số phụ huynh và giáo viên đồng tình. Cho nên, chủ trương bỏ thi vào lớp 6 để giảm tải gánh nặng học hành là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế có những vấn đề nảy sinh khiến cho nhiều địa phương, nhiều trường gặp rắc rối. Có những trường nổi tiếng, học sinh xin vào rất đông, gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển của nhà trường. Nếu không tổ chức thi thì sẽ tuyển bằng cách nào?
Tất nhiên là chọn theo kết quả học tập. Nhưng rất có thể sẽ dẫn đến việc chạy chọt, nâng điểm, làm đẹp học bạ để được vào trường tốt. Lúc đó, những em học giỏi lại bị loại trừ, còn những em học kém, được cha mẹ khéo thu xếp thì lại trúng tuyển.
Một ý kiến gửi về báo Dân trí rằng: “Cấm thi tuyển sẽ rất mừng cho học sinh lười biếng, năng lực kém nhưng có thế lực, lắm tiền để chạy vào các trường tốt mà nếu thi như trước đây chắc chắn là trượt”. Ý kiến này cũng đáng lưu tâm, bởi vì chuyện chạy trường dã từng xảy ra, bỏ thi tuyển sẽ là cơ hội cho chạy chọt bùng phát.
PGS Văn Như Cương cũng cho biết: “Trường công lập tuyển sinh theo tuyến cũng sẽ ổn thôi. Nhưng nếu trường ngoài công lập mỗi năm có tới hàng nghìn học sinh đăng kí dự thi, trong khi chỉ tiêu chỉ có vài trăm như trường tôi thì chắc nhà trường phải xây lại cổng để không bị dòng người chen chân đăng ký xô đổ. Đến giờ, chúng tôi cũng chưa biết phải tuyển chọn thế nào trong hàng nghìn em tới đăng ký”.
Sẽ không có chủ trương nào đáp ứng tuyệt đối nhu cầu và lợi ích của toàn xã hội, chủ trương cấm thi vào lớp 6 cũng vậy. Vấn đề đặt ra là chủ trương phục vụ lợi ích chung, những điều còn vướng mắc phải tìm cách tháo gỡ. Trong trường hợp này, mục đích chung là giảm tải áp lực học hành thi cử cho trẻ con, cho nên cần phải chấp hành theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Bên cạnh đó, các sở giáo dục địa phương, các trường cần có biện pháp, cách thức tuyển chọn đầu vào trên cơ sở thành tích học tập của học sinh một cách khách quan, trung thực để đảm bảo công bằng. Những trường hợp chạy chọt, nhận hối lộ để nâng điểm thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ căn cứ.
Có điều, trước khi cậy đến pháp luật, chúng ta nên có lòng tin vào ngành giáo dục và những người thầy. Không phải thầy cô nào cũng sẵn sàng làm điều thiếu trung thực. Và nếu có cá nhân nào đó sai phạm, thì còn có sự điều chỉnh bằng các biện pháp quản lý của nhà trường.
Còn nữa, nếu như phụ huynh không chạy thì sẽ không có thầy nào nhận hối lộ. Các bậc cha mẹ nên nghĩ đến một điều, rằng sẽ không có trường nào tốt nếu như con cái mình học không tốt.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!