Ùn ứ nông sản: Chuyện "biết rồi, khổ lắm…"
(Dân trí) - Khổ lắm, chúng ta - bao gồm cả báo chí, giới chuyên gia cứ nói mãi, doanh nghiệp, người nông dân cũng quanh năm than trời, vậy mà… nói đi nói lại, mọi thứ vẫn thế, luẩn quẩn như một quy luật!
Có lẽ cũng không cần quá nhiều tính từ để mô tả về tình trạng ùn ứ hàng hóa (chủ yếu là nông sản) ở biên giới Việt - Trung những ngày này. Chỉ cần nhìn những bức ảnh toàn cảnh từ trên cao: xe và xe san sát, container chi chít xếp sát vào nhau… cũng đủ thấy mức độ tắc nghẽn nghiêm trọng đến thế nào.
Chưa năm nào ùn tắc lâu như năm nay - một lái xe với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề cho biết. Có lái xe chờ 15 ngày chưa được thông quan. Cả nghìn tài xế phải sống trong cảnh tạm bợ.
Số liệu cập nhất đến sáng 19/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.903 xe, tăng lên 99 xe so với 4.804 xe tồn cách đó một ngày. Trước đó một hai ngày, lượng xe cũng tăng lên vài trăm.
Đáng lo ngại là, tình trạng này còn kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt. Ở cửa khẩu Tân Thanh, nếu bình thường, mỗi ngày thông quan được 200 xe. Vậy thì kể cả khi cho thông quan cũng không biết đến bao giờ mới giải phóng xong hàng trong khi lượng xe không ngừng tăng. Giải phóng xong rồi thì hàng hóa phải bán tống bán tháo bằng mọi giá? Chi phí kho bãi, vận chuyển… doanh nghiệp "ăn đủ"!
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía nước bạn Trung Quốc đưa ra các lý do về kiểm soát phòng chống dịch, lỗi mạng… nên tình hình hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng. Đây đều là những lý do "bất khả kháng". Còn đóng cửa khẩu lại là rủi ro chính sách.
Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, lại có phần "dễ tính" hơn trong yêu cầu chất lượng hàng hóa so với các thị trường khác như Mỹ, Úc, châu Âu… Do vậy, việc doanh nghiệp ưa thích xuất hàng qua biên giới phía bắc cũng là dễ hiểu.
Thế nhưng, những rủi ro được coi là "bất khả kháng" ở trên liệu có bất ngờ? Nhìn lại những năm trước, có phải đây là lần đầu xảy ra ùn ứ hàng hóa nông sản hay không? Không! Việc kiểm soát dịch có bất ngờ không? Không! Đều có thể tiên liệu!
Vấn đề là tình huống này lại đúng vào lúc nông sản vào vụ thu hoạch. Hàng hóa khác còn để được lâu, chứ nông sản thì không, đặc biệt là thanh long, dưa hấu. Thời gian kéo dài thêm một ngày, thiệt hại càng nhiều, lượng hàng hóa phải tiêu hủy càng lớn thêm.
Về phía doanh nghiệp, để gỡ gạc chi phí, nhiều xe phải quay đầu bán trong nội địa bù vào tiền cước, tiền hàng coi như mất trắng. Còn với nhà vườn, cái khó là hoa đến thì phải nở, trái đến thì phải chín, nhưng doanh nghiệp cũng không thể thu mua khi họ còn chưa biết tiêu thụ bằng cách nào.
Bài toán năm nay khó giải hơn các năm trước, đó là do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng kém đi. Bởi vậy nên tới đây, dẫu có các chương trình kêu gọi "giải cứu" nông sản cũng khó mà đạt được kết quả như kỳ vọng.
Các doanh nghiệp cho biết, trước mắt, họ cần kết nối, hỗ trợ bao tiêu. Vậy nhưng người viết đánh giá, đây chỉ là giải pháp "cấp cứu" trong tình huống cấp bách. Bài toán lâu dài vẫn là mở rộng thị trường và tăng sản phẩm chế biến. Thay vì xuất quả dưa hấu, chúng ta bán nước dưa hấu. Thay vì xuất khẩu chuối, mít, chúng ta bán chuối sấy, mít sấy…
Trồng cây gì, nuôi còn gì còn phải tính bán cho ai, bán giá nào, lúc nào? Phải lên phương án, lập SWOT (thế mạnh/điểm yếu/thách thức/cơ hội) cả năm, chứ còn nếu cứ nước ngập đến chân rồi mới nhảy như bây giờ thì "đuối" vẫn là khó tránh!
Doanh nghiệp Việt bị động trước thời cuộc, nước mắt người nông dân vẫn chảy ngoài đồng ruộng… Trách nhiệm về quy hoạch sản xuất - tiêu thụ, về xây dựng chuỗi giá trị nông sản… dường như vẫn là trách nhiệm quá chung chung?!