Tương lai nào cho dự án ngàn tỉ BRT?
(Dân trí) - Dự báo tương lai của dự án BRT đang rất ẩm đạm. Tuy nhiên, hình như một số người không muốn chấp nhận sự thật này bởi một dự án lên tới cả ngàn tỉ đồng, nếu thất bại thì ai phải chịu trách nhiệm? Nhất là khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã chỉ ra rất nhiều sai phạm.
Cách đây gần 2 năm (31/12/2016), Hà Nội khai trương tuyến xe buýt nhanh BRT với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo Thủ đô và quan khách UB An toàn giao thông. Buổi lễ diễn ra tưng bừng với bao kỳ vọng, nào là sẽ từng bước thay đổi tư duy giao thông của người dân, giảm ùn tắc… và thậm chí, còn hi vọng kinh doanh có lãi .
Để thực hiện mong đợi này, TP Hà Nội đã tập trung rất nhiều nguồn lực. Trong đó, phải kể đến số tiền theo dự kiến lên tới 53,6 triệu USD (vay Ngân hàng Thế giới) cùng nhiều đoàn kéo nhau “rồng rắn lên mây” nghiên cứu, khảo sát mô hình này tại các xứ sở xa tít mù tắp như Brazil, Colombia, Ecuado…
Không chỉ dừng ở cơ sở vật chất cùng những chuyến “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, người ta còn cấm các loại xe taxi và một số loại hình vận tải khác cùng với một đường riêng biệt, được ngăn ra từ con đường vốn đã rất “eo hẹp” của Thủ đô.
Với rất nhiều ưu đãi như vậy nhưng cho đến nay, kết quả rất… “quan ngại”, quên “dân ngại”.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: "6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân đạt 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44.3% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; lượt khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7 người/lượt, đạt 75,4% công suất".
Tuy chưa có báo cáo gần đây nhất nhưng đến nay theo chúng tôi được biết, kết quả này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Trên nhiều chuyến, số hành khách khá lèo tèo, người dân chưa hào hứng với loại hình di chuyển này và giao thông trên các tuyến đường đó không những không được cải thiện mà ngày càng ùn tắc.
Xót xa nhất là vào đầu buổi sáng và trong giờ tan tầm, hàng đoàn phương tiện chen chúc trên phần đường nhỏ nhoi còn lại thì bên phía đường dành cho BRT, mặt đường thênh thang, thi thoảng mới có một chiếc xe nghễu nghện và càng xót xa hơn, trên xe cũng rất “khiêm tốn” hành khách. Giờ đây được biết, do sự bất hợp lý nên đã buộc phải có thay đổi, chấp nhận không còn sự ưu ái “độc quyền”…
Hiệu quả thì như thế nhưng Thanh tra Chính phủ mới đây đã có Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4/9/2018 về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dựng của dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) hợp phần 1 với hàng loạt sai phạm, gây thất thoát ngân sách cần phải làm rõ.
Có lẽ cũng cần nhắc lại, cách đây ít lâu, báo Nhân dân Điện tử bài “Cuộc thử nghiệm “nghìn tỷ” đã đặt nghi vấn về giá mỗi chiếc xe buýt này lên tới hơn… 5 tỉ đồng?
Có thể không khó để dự đoán, tương lai của dự án BRT (mà người dân “phiên âm” thành “Bia – Rượu – Thịt”) tính đến thời điểm này (sau gần 2 năm (12/2016 – 10/2018) kể từ ngày khai trương) đang rất ảm đạm.
Tuy nhiên, hình như một số người bất chấp nhận sự thật này bởi một dự án lên tới cả ngàn tỉ đồng, nếu thất bại thì ai phải chịu trách nhiệm? Nhất là khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã chỉ ra rất nhiều sai phạm.
Mong rằng những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đưa ra sớm được làm rõ, không “chìm xuồng” bởi cả ngàn tỉ không phải là chuyện nhỏ. Và hơn cả, là số phận của BRT sẽ được định đoạt như thế nào, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám