Túi bánh rán phố cổ 700 ngàn đồng và "một đi không trở lại"

(Dân trí) - Chuyện người bán hàng kể lại tâm sự của vị khách "tây" bị "chặt chém" 700 ngàn đồng cho một túi bánh rán ở phố cổ Hà Nội tuần qua lại chất thêm chuyện thật buồn cho ngành du lịch Việt Nam.

Túi bánh rán phố cổ 700 ngàn đồng và "một đi không trở lại" - 1

Theo như câu chuyện mà báo chí phản ánh, vào ngày 3/6, một người bán hàng cho một nữ du khách nước ngoài khi thấy tâm trạng người khách này bất ổn, đã vô tình hỏi túi bánh rán bà này mua bao nhiêu thì vô tình được nghe một tâm sự rất "đắng lòng".

Vị khách này kể: "Cô không thể tin tôi phải trả bao nhiêu tiền cho chỗ (bánh rán) đó đâu. Họ cứ dí sát cái bánh lại, tự lấy cho tôi và tôi không biết phải trả bao nhiêu cho chỗ đó. Thế là tôi giở ví ra thế này và họ lấy của tôi 1 tờ 500 ngàn đồng và một tờ 200 ngàn đồng, sau đó bỏ đi. Họ lấy tiền của tôi, những 700 ngàn, cô có tin không".

Mấy chiếc bánh cũng quá ngọt và nữ du khách (Bắc Âu) cũng đã không thể ăn. Bức ảnh mà người bán hàng chụp lại vị nữ du khách ấy, cùng với những cử chỉ mà bà đó mô tả lại động tác của người bán gói bánh rán cho bà rất sinh động khiến đa số người nghe chuyện đều tin đây là chuyện có thực.

Những chiếc bánh rán quá ngọt đó thực sự là chuyện "đắng ngắt" với tất cả những người tự hào, mong muốn bảo vệ, phát triển ngành du lịch nước nhà. Bởi đó thực sự không phải là chuyện mua bán thông thường mà là trò lừa đảo, cướp giật du khách - những người mới chân ướt, chân ráo đến Việt Nam và họ chưa am hiểu kiểu mua bán cướp giật đó.

Câu chuyện này chỉ chất đầy thêm cả kho chuyện buồn cho ngành dịch vụ du lịch Việt Nam. Cá nhân người viết bài này đã từng chứng kiến rất nhiều chuyện tương tự.

Tôi đã từng thấy có những trẻ em đánh giày, cũng ở khu phố cổ Hà Nội đã cố tình giằng lấy những đôi giầy của khách du lịch nước ngoài để đòi đánh xi, thay đót với mức giá khó tin.

Tôi đã từng thấy ở sân bay Nội Bài, có người bán hàng ở sân bay khi bán hàng không đúng chủng loại cho hành khách nước ngoài khi bị yêu cầu trả lại tiền đã nhất định không trả và bị người mua ném lại cả tiền, cả hàng với cái nhìn khinh miệt...

Những chuyện như vậy, thực ra, nếu tìm kiếm (search) trên google, chúng ta sẽ thấy rất nhiều. Nhưng tại sao những câu chuyện đáng buồn ấy cứ tái diễn, liên tục và liên tục, khiến hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam thực tế rất xấu trong giới du lịch quốc tế ?

Phải chăng đó là do cách giáo dục con người ở Việt Nam có vấn đề, do mức xử phạt vi phạm hành chính cho các hành vi đó còn quá thấp, do thiếu lực lượng chuyên môn như cảnh sát du lịch...?

Tôi không cho rằng, nguyên nhân chính là những điều trên, dù có thể đó là một phần của tình trạng này. Bởi thực tế, ở một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An... chính quyền sở tại các nơi đó đã khá quyết liệt với tình trạng lừa gạt, bán hàng rong lợi dụng "chặt chém" du khách và cơ bản là không có tình trạng như câu chuyện "gói bánh rán 700 ngàn đồng" như ở khu phố cổ Hà Nội.

Chúng ta đã từng thấy, Sầm Sơn- một thành phố biển của Thanh Hoá, nổi tiếng với tình trạng "chặt chém", với những chuyện cười ra nước mắt mà có thực: Mua mực nướng ăn, mặc cả 50.000 đồng/con, ok, nhưng ăn xong phải tính cả tiền cồn, tiền ghế ngồi... có thể lên tới hàng trăm ngàn đồng. Nhưng mấy năm nay, nhờ chính quyền vào cuộc quyết liệt, tình trạng đó cơ bản đã chấm dứt.

Vậy tại sao chỉ một vài dãy phố ở khu phố cổ Hà Nội, trung tâm của Thủ đô lại không thể làm được điều này?

2 năm trước, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, khách du lịch đến Việt Nam có "6 nỗi sợ" trong đó có 2 nỗi sợ hàng đầu là tình trạng "làm giá, chặt chém" và tình trạng "ăn xin, ăn cắp vặt". Theo ông, giải quyết được những "nỗi sợ" này thì "không cần tốn tiền mà du lịch vẫn tăng trưởng".

Tôi tin vào điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Con số của Hiệp hội Du lịch Châu Á-Thái Bình Dương năm ngoái công bố cho thấy, 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là lần đầu và chỉ 6% quay lại. Đó là tỷ lệ trở lại thuộc loại thấp nhất thế giới.

Và đó có một phần nguyên nhân rất lớn từ những nỗi sợ hãi của khách du lịch khi tới Việt Nam, khi ngoài nỗi sợ về giao thông hỗn loạn, an toàn vệ sinh thực phẩm kém, môi trường ô nhiễm, bẩn... còn có nỗi kinh hoàng về nạn chặt chém, ăn cắp vặt mà có lẽ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chắc cũng tin rằng, chưa giải quyết được bao nhiêu.

Ngành du lịch Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt doanh thu du lịch khoảng 35 tỷ USD vào năm 2020- một mục tiêu quá tham vọng cho 4 năm tới, nếu như những câu chuyện rất đáng xấu hổ trên vẫn chưa sớm được giải quyết.

Mạnh Quân