Từ vụ cựu lãnh đạo PVN, nghĩ về công cụ kiểm soát quyền lực
(Dân trí) - Một khi “không đủ công cụ kiểm soát quyền lực” thì việc quyền lực bị lợi dụng, “cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho” là điều khó tránh khỏi.
Chỉ còn ít ngày nữa, phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí (PVN) và các đồng phạm sẽ kết thúc. Có lẽ hiếm có phiên tòa nào được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến như phiên tòa này.
Do là phiên tòa được xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp nên không khó để nhận thấy một số khác biệt rất tiến bộ.
Thứ nhất, tại phiên tòa, Luật sư được bố trí đối diện và ngang hàng với Công tố viên của Viện Kiểm sát. Điều này, thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.
Thứ hai, đây cũng là phiên tòa không có vành móng ngựa cho thấy, tất cả mọi công dân chỉ bị coi là có tội khi bị tòa tuyên có tội.
Thứ ba, hầu hết mọi phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát, của Luật sư và của bị cáo đều được chủ tọa phiên tòa tôn trọng, kể cả có bị cáo còn kể lể dài dòng, khóc lóc.
Thứ tư, truyền thông báo chí được tham gia cởi mở và đưa tin không có vùng “nhạy cảm”, tất nhiên là trên tinh thần trung thực những diễn biến tại tòa.
Thứ năm, qua phần tranh luận cho thấy các bên buộc tội (Viện Kiểm sát) và bên gỡ tội (Luật sư) đều có những lập luận sắc sảo và thấu đáo. Điều này chứng tỏ cả hai bên đều có điều kiện tiếp cận hồ sơ một cách đầy đủ và được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Giờ đây phần tranh luận đã xong, chờ tòa nghị án và tuyên án. Vậy người dân chờ đợi gì ở kết luận của phiên tòa này?
Tất nhiên như tất cả mọi phiên tòa khác, điều người dân chờ đợi, đó là việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có chính sách khoan hồng hợp tình, hợp lý theo qui định của luật pháp, không “nặng tình” biến nặng thành nhẹ và ngược lại.
Song, dù kết quả thế nào thì hậu quả để lại cũng vô cùng lớn. Đó là sự tha hóa của cán bộ, xâm hại nền tảng đạo đức xã hội, làm trì trệ sự phát triển và cụ thể hơn, là những khối tài sản khổng lồ của nước, của dân ném sông, đổ bể.
Vì thế về sâu xa, vẫn là khâu cán bộ mà một trong những vấn đề cấp bách, đó là xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực như lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính:
“Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua không đủ công cụ kiểm soát nên quyền lực bị lợi dụng, tha hoá, cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Bây giờ phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hoá, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ tha hoá”.
Đúng là một khi “không đủ công cụ kiểm soát quyền lực” thì việc quyền lực bị lợi dụng, “cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho” là điều khó tránh khỏi.
Bùi Hoàng Tám