Từ mối nguy TPP thất bại, nỗi lo hẫng hụt động lực cải cách

(Dân trí) - Khi không có TPP, điều lo ngại nhất không phải là sự hẫng hụt về tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, mà chính là sự hẫng hụt về động lực cải cách thể chế kinh tế. Câu hỏi khắc khoải nhất mà các chuyên gia kinh tế thường nói những ngày này là “không có sức ép từ TPP, động lực cải cách có giảm đi?”

.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cách đây vài hôm, Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi TPP với quan điểm “nước Mỹ trên hết” và niềm tin rằng, việc rút khỏi TPP sẽ giúp người Mỹ có nhiều việc làm hơn.

Thực ra, không phải chờ đến bây giờ mà ngay từ khi ông Trump bắt đầu chiếm lợi thế trong phiên kiểm phiếu, kịch bản này đã được đoán trước, rằng TPP sẽ không có Mỹ, ít ra là dưới thời Trump. Thị trường tài chính toàn cầu đảo lộn, riêng tại Việt Nam, VN-Index lao dốc mất tới 15 điểm.

Chúng ta đang lo sợ điều gì? Rằng TPP không được thông qua thì hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ khó khăn hơn? Chẳng phải chúng ta vẫn đang mở cửa với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hàng Việt vẫn đang xuất khẩu rất mạnh sang Mỹ và các nước trong TPP đấy thôi? TPP chưa đi vào hiện thực nên những gì chúng ta “mất” về thương mại chỉ là sự “mất mát trên kỳ vọng”:

Nhẽ ra, GDP có thể tăng 10% vào 2020 và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng hơn 28% vào năm 2025…nếu có TPP. Ngành dệt may và giày dép hỉ hả. TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, nên khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam cũng như các thành viên khác.

Nhưng điều tốt nhất mà TPP mang lại cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không phải là thương mại. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cho biết, cái quan trọng ngoài thương mại của TPP chính là trợ giúp, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và sân chơi giữa các nước lớn và các nước nhỏ thông qua một cơ chế phẳng về luật pháp, hành chính công và cạnh tranh... Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các nước có thể chế kinh tế yếu hơn, sửa đổi, thích ứng với các thể chế kinh tế hiện đại bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore...

Chính vì vậy, khi không có TPP, điều lo ngại nhất không phải là sự hẫng hụt về tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, mà chính là sự hẫng hụt về động lực cải cách thể chế kinh tế. Câu hỏi khắc khoải nhất mà các chuyên gia kinh tế thường nói những ngày này là “không có sức ép từ TPP, động lực cải cách có giảm đi?”.

Đây không phải là lo lắng vu vơ. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái nói: “Nếu không có ai phản đối, chứng tỏ đó là một cải cách tồi. Nếu cải cách mà lặng lẽ, yên ả thì có nghĩa là chưa thực sự cải cách, mới nói miệng về cải cách thôi”. Nôm na rằng, bất kỳ sự cải cách thực chất nào cũng sẽ vấp phải các thế lực chống đối, cũng sẽ có những người “phản cải cách”.

Câu nói đó của ông Blair tiếp tục được cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh nhắc lại nhiều lần sau đó. Tại buổi trả lời phỏng vấn Dân trí trước thời điểm nghỉ hưu, ông Vinh chia sẻ: “Nếu mọi việc vẫn như cũ thì người ta việc gì phải phản ứng? Nhưng ở đây là đụng đến lợi ích ngành này, mất quyền ngành kia, cá nhân này thì mất lợi ích, nhóm lợi ích kia thì mất quyền lợi. Minh bạch ra thì nhiều người không còn lợi dụng được kẽ hở để tư lợi nữa…Tất nhiên họ phải phản ứng”.

Rõ ràng, lực cản cải cách, lực cản tái cơ cấu là hiện hữu, hiện hữu từ chính trong con người làm nên bộ máy, từ đâu đó còn một số vị lãnh đạo còn nuối tiếc lợi ích, vẫn thèm muốn “leo cao chui sâu” cho đến những công chức, viên chức chưa sẵn sàng lột bỏ tư duy cũ để thực hiện đúng nghĩa tinh thần phục vụ, phụng sự nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo để lay chuyển cả bộ máy. Điều này càng cần thiết trong kịch bản không có TPP, tức là một khi không có động lực từ TPP thì nội tại đất nước cần phải tự đặt ra yêu cầu cải cách và Chính phủ hoàn toàn có khả năng để thay đổi, để cải cách và hội nhập. Vấn đề nằm ở hành động mạnh mẽ của những người đứng đầu, liệu có thể loại bỏ được những cá nhân, những thế lực “phản cải cách” khỏi bộ máy hay không.

Như ông Blair từng góp ý rằng: “Chúng tôi thấy không cần phải nhiều người cải cách mà là cần đúng người, đúng vị trí để khi cần có thể vượt qua”.

Bích Diệp