Từ “lễ” thầy đến “đi thầy”

(Dân trí) -Lễ thầy là truyền thống đạo lý cao đẹp nhưng nếu lạm dụng sẽ dẫn đến lợi dụng. Khoảng cách giữa văn hóa và tệ nạn chỉ như một sợi chỉ bằng đúng khoảng cách từ "lễ" thầy đến “đi” thầy. “Hậu” 20/11, xin giới thiệu cuộc phỏng vấn một thầy giáo già.

Từ “lễ” thầy đến “đi thầy” - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thưa thầy, sao dạo này thầy buồn thế ạ?

Ta buồn ư? Đúng. Phải nói là ta rất buồn mới đúng.

Vì sao vậy, thưa thầy?

Vì sao ư? Vì những ngày lễ lạt, tôn vinh đã bị lợi dụng đến mức. Tìm trên Google từ “đi thầy” cho kết quả 11.500.000 trong 0,16 giây. Có bài báo phải thốt lên: “Ước gì đừng có ngày 20/11”. Ta buồn vì trong khi hàng chục vạn những người thầy, người cô đang tận tâm, tận lực với nghề, hết lòng vì học sinh thì lại có không ít những người đang làm hoen ố nghề nghiệp cao quý của mình chỉ vì những món quà nho nhỏ. Một con sâu đã làm rầu cả nồi canh nhưng bây giờ không phải là một hai con nữa mà số lượng lên đến cả bầy sâu.

Ôi, thầy làm em hoang mang quá. Nhưng thực tế, hình ảnh người thầy vẫn đang là tấm gương sáng cho chúng em ạ.

Hiện tại thì có thể là thế nhưng tương lai thì sao? Làm sao có thể bắt các em kính trọng một người là thầy mà đổi tình lấy điểm? Làm sao các em có thể kính trọng những người thầy bán bằng, bán cấp? Làm sao các em có thể kính trọng người thầy thiếu nhân cách, sàm sỡ và hơn cả thế với học sinh? Làm sao có thể bắt các em kính trọng một người thầy không tận tâm, thậm chí hời hợt và chiếu lệ với nghề?...

Thầy có bức xúc quá không ạ?

Đúng là ta bức xúc, rất bức xúc. Nhưng nếu em ở vào địa vị ta, em có bức xúc không? Ta thành thật, mỗi khi được các em gọi là thầy, ta thấy vinh dự bao nhiêu thì nghĩ về điều đó, ta xấu hổ bấy nhiêu.

Thưa thầy, tiêu cực đang là tình trạng chung của xã hội ta. Vả lại, giáo dục không phải là ngành tiêu cực nhất và nhìn chung, giáo viên hiện là một nghề thu nhập thấp.

Em nói đúng. Ngành giáo dục không tiêu cực nhất nhưng nó lại có nhiều ảnh hưởng nhất. Người xưa nói: “Cha sinh không bằng thầy dạy”. Được coi như cha mẹ học trò thì phải sống thế nào xứng đáng là bậc cha, bậc mẹ. Thu nhập thấp ư? Điều đó đúng với giáo viên miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhưng lại chính ở những nơi đó, các thầy các cô đều xứng đáng là những NGƯỜI THẦY, NGƯỜI CÔ viết hoa. Trái lại, chính những nơi có điều kiện thì lại xuất hiện tiêu cực. Nạn đi thầy đi cô, phong bì phong bao đang tàn phá môi trường giáo dục.

Thưa thầy, em nghĩ những chiếc phong bì nho nhỏ trong những ngày lễ tết ấy chỉ là để biểu hiện tình cảm biết ơn…

Đúng là những cái phong bì nho nhỏ nhưng ta hỏi em một năm học có bao nhiêu cái phong bì “nho nhỏ” đó? Với các em học sinh thì nào là “nho nhỏ” khi mới khai giảng đầu tháng 9, thoắt cái đến “nho nhỏ” ngày 20/10  (Ngày Phụ nữ Việt Nam), một tháng sau lại “nhỏ nhỏ” ngày 20/11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam), tiếp đó là tết dương lịch, rồi tết âm lịch, tiếp là ngày 8/3, ngày 30/4… Đối với sinh viên thì ôi chao ôi, chạy điểm,chạy môn, chạy thi, chạy bảo vệ… không biết một năm có bao nhiêu lần cái “nho nhỏ”. Và em thấy không, điều cay đắng là sau mỗi lần nhận phong bì nho nhỏ ấy thì hình ảnh người thầy cũng rớt giá theo.

Thầy có cả nghĩ quá không?

Thế em nghĩ rằng một người thầy đã cầm phong bì của học trò lại còn đòi có sự kính trọng nữa ư? Không có điều đó đâu em ạ. Vinh dự nào cũng đi cùng với trách nhiệm và sự hi sinh.

Thưa thầy, em rất đồng cảm với những suy tư của thầy nhưng thầy hãy tin em rằng tình hình sẽ sớm thay đổi. Những người thầy, người cô vẫn mãi mãi là tấm gương cho chúng em suốt cuộc đời mình.

Ta cũng cầu mong như vậy nhưng ta không nhiều niềm tin như em. Ta già rồi.
 
Em xin cám ơn thầy!

Các bạn thân mến!
Các bạn nghĩ gì về cuộc phỏng vấn này? Liệu thầy tôi có bi quan quá không?

Bùi