Từ chuyện Tây dọn rác đến cách nghĩ của ông chủ tịch phường
(Dân trí) - Chuyện bắt đằu từ việc mấy ông Tây ở một nước tận tít bên kia bán cầu (Mỹ) đến sống ở Hà Nội. Vì yêu quý, trân trọng mảnh đất ngàn năm văn vật, với những con người Tràng An thanh lịch nên ban đầu chỉ là đi du lịch, chàng trai James Joseph Kendall giờ đây còn có ý định gắn bó lâu dài với mảnh đất giàu truyền thống văn hiến này.
Lý do, anh yêu mến những người dân bản địa vì họ luôn thân thiện và niềm nở. James cũng rất thích và “nghiện” các món ăn truyền thống ở Việt Nam như phở bò, nem, bún trộn… Anh thích đi xe máy và lang thang trên những con phố cổ ở Hà Nội và rất vui vì hàng ngày được gặp gỡ, truyền dạy kiến thức cho các em học sinh Việt Nam.
“Tôi yêu Việt Nam và yêu Hà Nội, vì thế tôi rất mong có thể góp phần giúp cho nơi đây trở nên sạch đẹp hơn”. James nói.
Thế nên một ngày đẹp trời, James cùng với nhóm bạn của mình đến kênh nước bẩn trong ngõ 381/55/4 Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) để cùng nhau dọn dẹp. “Trước đó, tôi có đi qua đây và thấy nó rất bẩn nên quyết định phải làm điều gì đó. Tôi có kể cho một vài người bạn nghe về ý tưởng của mình và họ đều vui vẻ ủng hộ. Ban đầu, nhóm của tôi chỉ có vài người tiến hành dọn dẹp nhưng sau đó thì người dân ở xung quanh cũng bắt đầu ra nhặt rác giúp. Lúc sau nữa thì có thêm một nhóm các bạn mặc áo xanh tình nguyện mà tôi đoán là họ thuộc đoàn thanh niên địa phương. Họ cũng đeo ủng, lội mương, vớt rác cùng chúng tôi”. Chàng trai người Mỹ kể.
Thế nhưng hình như lòng tốt của anh bi “lệch nhip”.
Chính quyền địa phương mà đứng đầu là ông Chủ tịch phường sở tại Hoàng Trung Kiên (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có phản ứng rằng việc không báo cáo lãnh đạo phường trước khi tiến hành dọn rác là… sai nguyên tắc. “Họ làm có tổ chức, lại là đại diện của một nhóm tình nguyện thì cần xin ý kiến chính quyền…”. Ông Kiên còn cho biết, đoạn mương này “đã được chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ từ trước rồi”.
Phát biểu của Chủ tịch phường Kiên gặp rất nhiều phản hồi không đồng tình từ dư luận. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cho thấu đáo, việc phản ứng của ông Kiên là… tất yếu.
Hãy thử ví dụ như chúng ta là chủ nhà, bỗng có mấy ông khách đến chơi, thấy nhà cửa nhếch nhác, bản thỉu, họ bảo nhau quét dọn.
Nếu phải chủ nhà nhẹ dạ, chắc sẽ “hí hửng vui mừng” vì bỗng dưng có người làm không công cho mình thì sung sướng quá còn gì.
Thế nhưng với người cả nghĩ (như ông Chủ tịch Kiên chẳng hạn), thì khác gì câu nói thẳng vào mặt, rằng sao ông (bà) ăn ở bẩn thỉu thế?
Ui cha! Thế thì ức quá, nhục quá, đau đớn quá… nên có thể trong lúc thiếu bình tĩnh, ông Chủ tịch Kiên đã tìm ra một lý do mang “thương hiệu” Made in Việt Nam: Xin phép! Cái “lỗi” của mấy ông Tây này là dọn rác không… xin phép? (Không biết ném rác ra đường có phải… xin phép không nhỉ?).
Đó là chưa kể, theo ông Chủ tịch Kiên thì “con mương trước đó đã được dọn sạch rồi”. Thế nhưng họ vẫn “dọn tiếp” thì khác gì nói thẳng rằng đám làm trước là dọn ẩu, dọn chưa sạch. Tiếc thay, những bức ảnh cho thấy rác vẫn còn… như núi.
Tuy nhiên, vẫn còn một cách hành xử nữa, đó là cảm ơn vị khách đó rồi quyết tâm thay đổi, thực hiện một lối sống văn minh, sạch sẽ.
Và người chọn cách hành xử này chính là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Hình như không hài lòng, thậm chí bức xúc và… xấu hổ với cách hành xử của cán bộ cơ sở dưới quyền, chiều 18/5, người đứng dầu chính quyền thành phố đã đích thân đến thăm và trò chuyện với James Joseph Kendall, người sáng lập nhóm Vì Hà Nội sạch - Keep Ha Noi Clean và những người bạn.
“Thay mặt lãnh đạo Hà Nội, tôi ghi nhận, biểu dương việc làm thiết thực của anh và các bạn trong thời gian qua. Hành động này thật sự nâng cao ý thức của mọi người với việc bảo vệ môi trường sống quanh mình cũng như xây dựng thủ đô Hà Nội xanh, đẹp mọi lúc, mọi nơi”, ông Chung nói.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội còn bày tỏ mong muốn James cùng nhóm của mình tiếp tục kêu gọi, động viên những người bạn là người nước ngoài đang tham gia lao động, học tập tại thành phố tham gia tích cực vào các hoạt động vệ sinh môi trường.
Được biết, thay đổi diện mạo đường phố và vệ sinh môi trường là những việc làm nằm trong 6 nhiệm vụ của thành phố. Mong rằng Hà Nội sẽ thật sự trở thành thành phố “Xanh – Sạch – Đẹp” hay nói khác, để những khẩu hiệu trên không còn là những khẩu hiệu… cho vui.
Bùi Hoàng Tám