Từ 5kg gạo nghĩ về bộ máy hành chính công
(Dân trí) - Lương cơ sở thời điểm bắt đầu cải cách năm 1985 tương đương 60kg gạo/ tháng, còn mức lương cơ sở mới đưa ra gần đây tương đương 65 kg gạo/tháng. Đó là con số so sánh do PGS TS Ngô Quang Minh đưa ra.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thật đáng suy nghĩ về con số so sánh này. Bởi vì gần 30 năm phấn đấu, xây dựng, phát triển, thu nhập cơ bản của người lao động hưởng lương chỉ nhích được 5 kg gạo. Mức tiến này tính trên 30 năm thì không phải tiến mà là lùi.
Sự phát triển của một đất nước được đánh giá trên nhiều tiêu chí, trong đó kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế... Nhưng tiêu chuẩn gì đi nữa thì trước hết cũng là miếng cơm, manh áo của con người. Nếu như người lao động hưởng lương sống không đủ bằng thu nhập chính đáng và lương thiện của họ thì các giá trị khác chỉ là ảo.
Không đủ tiền cho cơm áo thì văn hoá là một thứ xa xỉ. Vợ chồng công chức không thể có tiền đưa con đi xem phim, thưởng thức một đêm nhạc. Họ càng không thể chăm sóc sức khoẻ tốt vì giá thuốc và các dịch vụ y tế luôn ở mức cao khá xa so với số tiền mà họ có. Con cái họ ăn không đủ dinh dưỡng, lấy đâu điều kiện để học hành tử tế.
Những người lao động lương thiện đang sống trong thực tế đó, tính sát sao với đồng lương mà họ hưởng, họ là những người sống vất vả trong mặt bằng sinh hoạt hiện nay. Câu trả lời về sự phát triển, ở một khía cạnh nào đó, chính là gần 30 năm qua, mức lương được nhỉnh tính bằng 5 kg gạo.
Đối với người có hệ số lương cao hơn, cũng chỉ vài chục kg là cùng. Chân dung cuộc sống của người lao động chính là chân dung của một xã hội. Còn nếu như, có những công chức hay quan chức, với số tiền lương đó mà vẫn giàu có, sống xa hoa phung phí, thì chắc chắn đó là đồng tiền không lương thiện, là chân dung của hối lộ, tham nhũng. Cái tưởng rằng sáng sủa bày biện ra đó là sự lẩn khuất của mờ ám, tiêu cực, thụt lùi.
Phân tích như vậy không vì mục đích gì khác là để ủng hộ chính sách cải cách tiền lương kịp thời và phù hợp. Đồng tiền đủ sống không chỉ là nuôi sống con người mà còn là điều kiện để nâng cao chất lượng họat động của bộ máy công quyền. Sẽ không thể có một bộ máy hoạt động tốt khi ở đó người lao động không được trả công xứng đáng. Đồng lương phù hợp còn mang lại giá trị cao hơn, đó là góp phần nuôi dưỡng sự liêm khiết trong đội ngũ công chức.
Nhưng để nâng số gạo cao hơn 5 kg không dễ, bởi vì gạo trong kho có hạn nhưng người ăn quá nhiều. 30% công chức “vác ô” tương đương hơn 840 ngàn người đã chia nhỏ miếng bánh mà dân chúng làm ra để nuôi bộ máy nhà nước. Một trong những cách hiệu quả nhất để miếng bánh được chia to hơn là cắt đi 30% người vác ô đó, biết là vậy nhưng bao năm rồi không thể nào cắt được.
Và có thể thấy trước rằng, nếu vẫn cứ tồn tại một bộ máy hành chính công cồng kềnh và kém hiệu quả như hiện nay, thì tại một hội thảo bàn về lương của công chức chục năm sau, mức lương cơ sở ở thời điểm đó có thể cũng chỉ tương đương với 65 hoặc 70 ký gạo mà thôi.
Cám ơn các bạn!